Lễ khai giảng trong lặng im: Em vẽ chữ S đặt lên trái tim mình
Niềm vui trong lễ khai giảng của những học sinh "đặc biệt" |
Đó là câu kết bài Quốc ca của những học sinh đặc biệt trường THCS Xã Đàn (Hà Nội).
Mùa khai giảng năm nay, Trường THCS Xã Đàn đón thêm 22 học sinh của khối lớp Một. Tuy không biết nghe, biết nói nhưng các học sinh đặc biệt này đều ngoan ngoãn, dự lễ khai giảng với sự bồi hồi, bỡ ngỡ khi lần đầu tiên được cắp sách tới trường.
Giữa những phụ huynh đưa con đến dự lễ khai giảng, chị Nguyễn Huyền Phương tỏ ra hạnh phúc khi được cùng con đi học.
Đây là năm thứ 2 bé Khoa Bằng - Con chị - được dự lễ khai giảng tại Trường Xã Đàn và trong cả 2 năm, chị đều cảm động đến rơi nước mắt khi chứng kiến các con cũng cố vung tay theo các anh chị hòa nhịp điệu bài Quốc ca hùng tráng.
Gia đình phát hiện bé Bằng bị câm điếc từ khá muộn. Trước đây khi thấy con không biết nói, chị Phương tưởng con mắc chứng tự kỷ. Gia đình đã mất 1 năm chạy chữa chứng tự kỷ nhưng không hiệu quả, lại thấy con vẫn rất hiểu biết, nhanh nhẹn.
Mãi đến năm 3 tuổi, bé Khoa Bằng mới được xác định là mắc khiếm thính. Vì điếc, không nghe được nên Bằng cũng không biết nói.
Chị Phương chia sẻ: Với những đứa trẻ kém may mắn ở đây, thường những năm đầu tiểu học luôn phải học 2 năm một lớp. Tuy nhiên, bé Bằng rất thông minh, năm học vừa rồi còn được cô giáo khen là học sinh giỏi nhất nhì lớp. Con biết làm toán, viết chữ, vẽ tranh rất đẹp.
Nhờ các thầy cô trong trường, hi vọng con sẽ ngày càng tiến bộ hơn. Tôi rất mừng khi con đã được cắp sách đến trường, hòa đồng cùng bạn bè trong lớp.
Còn chị Phan Thị Lên đến từ Hưng Yên lại ngổn ngang những nỗi lo khi quyết tâm cho con trai - bé Phong - lên Hà Nội để hòa nhập cùng bạn bè.
Cho con trọ học, mỗi tháng gia đình chị Lên phải lo liệu tiền học phí và tiền nhà cũng vào khoảng 5 triệu đồng. Chân ướt chân ráo lên Hà Nội, chưa có việc làm ổn định nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng xoay sở để con được đến trường, được hòa nhập với các bạn, được thầy cô dạy dỗ nên người.
Chị Lên và bé Phong mới lên Hà Nội được 2 ngày. Trước ngày khai giảng, cả hai mẹ con đều rất hồi hộp, chờ từng giờ từng phút để sớm được đến trường. Lần đầu được đến trường đến lớp, gặp bạn bè thầy cô, bé Phong rất vui và cười suốt.
Chị Lên kể: Bé Phong mắc chứng khiếm thính bẩm sinh từ khi được 6 tháng tuổi. Ngày ấy, gia đình chị chạy vạy khắp nơi, nghe thấy ai mách chỗ nào chữa được bệnh cho con cũng không quản xa xôi tìm đến.
Chị Lên đã cho con đi châm cứu, mua máy trợ thính, thậm chí còn lần còn lên Bệnh viện Nhi, đăng ký cho con học một thầy một trò hàng tháng trời cũng chẳng ăn thua.
Ngày trước ở quê, khi các bạn bằng tuổi đi học, đến trường, bé Phong cứ phải lủi thủi một mình. Chị Lên cũng đã từng cho con đến trường mẫu giáo nhưng vì không biết nói, chẳng biết nghe, Phong cứ chơi thơ thẩn ngoài sân, chẳng ai chơi cùng.
Khi cô giáo gọi các bạn vào lớp, bọn trẻ chạy ùa vào, để mặc Phong bơ vơ chẳng biết gì. Chứng kiến cảnh đấy, lòng chị đau như cắt, nuốt nước mắt vào trong dắt con về nhà.
Vui khi con được học đúng trường, tìm được đúng thầy, được hòa nhập cùng các bạn nhưng chị Lên chưa hết lo âu khi những ngày tới bé Phong sẽ phải sống trong một môi trường mới xa nhà, xa bố mẹ.
"Con tuy chưa biết nói, biết nghe nhưng rất tình cảm với cha mẹ và ngoan ngoãn. Bé chậm lớn nên bây giờ 8 tuổi mới được 15kg, người còi lắm. Nay lại phải một mình xa bố mẹ nên cũng thương con lắm".
Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác được các thầy cô, phụ huynh chia sẻ với niềm tin yêu, trân trọng về một ngôi trường "đặc biệt". Trong 30 năm qua, trường PTCS Xã Đàn là nơi nuôi dưỡng, đào tạo, can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính, chuyên biệt.
Ngoài ra, trường cũng hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khiếm thính lớn tuổi để các em sớm hòa nhập vào cộng đồng, tự chủ trên con đường đi của mình.
Nguồn GDTĐ