Lê Bống: Từ tuổi thơ thiếu thốn, xoay xở kiếm sống đến TikToker 9 triệu người theo dõi

Khác với hình ảnh sôi động, giàu năng lượng trên mạng xã hội, Lê Bống ngoài đời “sống chậm” hơn rất nhiều. Ít ai biết, cô từng trải qua thời thơ ấu khó khăn, phải làm đủ nghề để kiếm sống.

Trở thành “hiện tượng mạng” khi sở hữu những clip triệu view, TikToker Lê Bống (tên thật là Lê Xuân Anh) nhanh chóng đón nhận nhiều cơ hội trong công việc nhưng đồng thời cô cũng vướng phải không ít sự cố và phản ứng trái chiều từ dư luận.

Chia sẻ với Infonet, Lê Bống cho biết: “Sau nhiều biến cố đã trải qua, mình muốn sống chậm hơn, nâng cao giá trị bản thân bằng việc đọc sách, tham gia các lớp học về kĩ năng diễn xuất, MC… Khi gặp chuyện căng thẳng, mình sẽ vẽ tranh để giải tỏa tinh thần. Mình sẽ cố gắng mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.

TikToker Lê Bống gây ấn tượng với nhan sắc xinh đẹp

Tuổi thơ lớn lên trong căn tập thể cũ

Ngoài thời gian sáng tạo nội dung, hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội, Lê Bống hiện nay còn quản lý hai cửa hàng kinh doanh tại TP. HCM và Hà Nội, có ô tô riêng và loạt đồ hiệu đắt giá.

Với diện mạo khá sang chảnh, Lê Bống khiến nhiều người nghĩ rằng cô xuất thân trong một gia đình có điều kiện, được bố mẹ hậu thuẫn để đầu tư hình ảnh bản thân, tham gia cuộc thi hoa hậu.

Tuy nhiên, cô gái 27 tuổi bộc bạch: “Mình có một gia đình giàu có về tình yêu, tình thương nhưng không giàu có về tiền bạc, thậm chí có những giai đoạn bố mẹ khá vất vả để nuôi ba chị em mình ăn học, trưởng thành”.

Trước đây, gia đình ba thế hệ với 7 thành viên của Lê Bống sinh sống trong một căn hộ tập thể nhỏ, xuống cấp tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cô gái 9X vẫn nhớ như in năm lên 7 tuổi, ngày 30 Tết, cả khu tập thể vội vã dọn dẹp, tổng vệ sinh, chuẩn bị đón giao thừa. Mấy chục hộ gia đình đồng loạt sử dụng khiến hệ thống đường nước chung vốn đã xuống cấp lại gặp vấn đề, nước cống tràn ngược vào các căn hộ nằm ở tầng 1, trong đó có nhà Lê Bống. Khi ấy, cả nhà phải dùng khăn thấm, lấy gáo hất nước ra khỏi nhà.

Từ lúc ấy mình đã đặt mục tiêu sẽ học thật tốt, kiếm thật nhiều tiền để đổi căn nhà khang trang cho bố mẹ, nơi mà mỗi thành viên có một không gian riêng, đẹp, thoải mái”, cô chia sẻ.

Trước khi nổi tiếng, Lê Bống từng trải qua giai đoạn khó khăn.

Thức đêm vẽ thuê, xuyên hè “hô biến” giày cũ kiếm tiền

Vốn có năng khiếu hội họa và mong ước xây dựng một ngôi nhà đẹp cho gia đình, từ những năm học cấp hai, Lê Bống đã đặt mục tiêu trở thành sinh viên ngành thiết kế nội thất. Những trang vở thừa được cô tận dụng triệt để để tập vẽ, tập tô.

Vào lớp 10, Lê Bống bắt đầu theo học các lớp luyện vẽ chuyên nghiệp. Để kiếm thu nhập, cô nhận vẽ họa tiết, hình ảnh lên áo phông cho bạn bè cùng lớp. Mỗi chiếc áo hoàn thiện, Lê Bống nhận được 50.000 đồng.

“Tiếng lành đồn xa”, Bống bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, ngoài áo phông còn có bạn bè gửi giày cũ nhờ cô “hô biến” thành những đôi giày sáng tạo, mới lạ.

Hè năm học lớp 11, thay vì nghỉ hè như chúng bạn đồng trang lứa, Lê Bống miệt mài sửa sang, trang trí những mẫu áo và tự mày mò học trên mạng cách đính đinh lên một đôi giày.

Không có dụng cụ chuyên nghiệp nên các ngón tay của mình nứt toác, bật máu. Nhưng bù lại, suốt mùa hè đó, mình kiếm được 1 triệu đồng, số tiền rất lớn đối với bản thân lúc bấy giờ”, Lê Bống kể lại.

Ám ảnh nhất với Bống còn là những buổi học với bột màu. Vốn bị dị ứng bột màu nên sau mỗi buổi học, hai cánh tay của cô đỏ ửng, mẩn ngứa, có khi gãi đến trầy xước, còn da mặt thì nổi mụn, sạm đen.

Lê Bống có năng khiếu hội họa và rất yêu động vật. Mới đây, 9X tham gia hoạt động thiện nguyện tại một Trung tâm cứu trợ động vật ở Hà Nội.

Vượt cú sốc đầu đời có tên “trượt đại học”

Năm 2013, Lê Bống nhận cú sốc đầu tiên trong đời là trượt đại học. Vì dồn hết tâm huyết để thực hiện ước mơ trở thành sinh viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nên khi bị thiếu 1 điểm khiến cô gái vốn vô tư, vui vẻ rơi vào trạng thái bi quan.

Khi nhận tin nhắn thông báo, mình đã nghĩ tới việc... biến mất. Mình cảm thấy chán nản về bản thân, thấy không xứng đáng với kì vọng của bố mẹ”, Lê Bống kể.

Khi ấy cô trở về nhà, ôm chầm lấy mẹ, chỉ biết khóc và nói xin lỗi. “Mẹ không trách mình bất cứ lời nào, chỉ nhẹ nhàng an ủi, động viên. Mẹ nói mình đã rất nỗ lực và bố mẹ ghi nhận điều đó. Sự tin tưởng của gia đình là động lực để mình làm lại”, cô chia sẻ.

Một năm tiếp theo, Lê Bống lao vào luyện vẽ và tiếp tục duy trì công việc nhận vẽ thuê để có thêm khoản tiền chi trả cho học phí đại học. Năm 2014, cô thỏa nguyện khi đỗ vào Khoa Thiết kế Nội thất, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Khi học năm hai, với khoảng 15 triệu đồng tiền vốn, Lê Bống mạnh dạn thuê căn phòng 10m2 trên phố Đông Các, mở một tiệm đồ handmade, chuyên vẽ áo giày. Cô tự tay sơn sửa cửa hàng, tự mua những tấm gỗ rời về thiết kế, đóng thành bàn, kệ, làm đèn trang trí... để tiết kiệm chi phí. 

“Cửa hàng lúc đó cũng mang về cho mình một khoản thu nhập ổn định nhưng do thiếu kinh nghiệm về thuê địa điểm, số vốn hạn chế nên mình liên tục phải chuyển cửa hàng. Trong 2 năm, mình chuyển cửa hàng 8 lần. Lúc nào cũng quay cuồng vừa làm chủ vừa làm nhân viên”, Lê Bống cho biết.

Năm 2017, công việc kinh doanh của Bống phát triển hơn khi cô bán ra thị trường một sản phẩm làm sạch giày tự chế hiệu quả, giá thành rẻ. Những đơn hàng làm sạch giày, đồ da như ví, túi sách, mũ bảo hiểm, vali... cũng được khách tìm đến nhiều. 

Năm 2018 mình có cửa hàng với vị trí thuận lợi đầu tiên tại Hà Nội thay vì những căn phòng nhỏ, nằm chung tòa nhà. Năm 2020, mình mở tiếp một cửa hàng tại TP. HCM. Đến bây giờ, đây vẫn là nguồn thu nhập quan trọng của mình, giúp mình thực hiện ước mơ giúp bố mẹ xây nhà, mua xe, đầu tư thực hiện các dự án khác”, Lê Bống cho biết.

Từ cô nàng Tiktoker giảm cân “khủng” đến Người đẹp Nhân ái

Từ khi mở cửa hàng kinh doanh đầu tiên, Lê Bống đã nhận ra hạn chế về cơ thể của bản thân như quá mập, da mặt xấu, sức khỏe kém. Với sự động viên của mẹ, cô bắt đầu theo tập gym, học nhảy, duy trì chế độ ăn hợp lý,... Nhờ vậy mà sau 6 tháng, Lê Bống từ 73kg giảm về mức 50kg.

Lần đầu mình được biết tới trên mạng xã hội là qua bức hình mặc trang phục lạ mắt, tham gia một chương trình âm nhạc. Ban đầu, mọi người đổ xô vào khen mình xinh, dáng chuẩn. Nhưng chẳng bao lâu sau, những bức hình cũ, thời mình 73kg được đào lại, cộng đồng mạng bắt đầu đồn mình phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa ảnh quá đà,...

Mình bị sốc trước những lời chê bai, đồn thổi của mọi người, thậm chí không dám mở mạng xã hội. Thời điểm đó, một người chị đã gợi ý mình thực hiện video chia sẻ kinh nghiệm giảm cân, duy trì sức khỏe, chăm sóc cơ thể... nên mình làm theo và bất ngờ khi những video trên Youtube, TikTok của mình thu hút lượt xem lớn, còn trang cá nhân nhận được hàng triệu lượt theo dõi”, cô nàng 9X tâm sự.

Để có được thân hình quyến rũ, săn chắc như hiện tại, Lê Bống phải duy trì tập luyện đều đặn và ăn uống khoa học.

Khi đăng kí tham gia cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022, Lê Bống vẫn tiếp tục nhận nhiều bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng cô được sắp xếp để đánh bóng cuộc thi, xem cô như “thí sinh drama”. Ngay cả khi cô bước vào Top 10 và nhận giải Người đẹp Nhân ái, làn sóng phản đối Lê Bống vẫn chưa dừng lại.

Lê Bống tham gia một sự kiện trên phố đi bộ và nhận được nhiều tình cảm từ các em nhỏ.

Hiện tại, ngoài lịch trình làm việc bận rộn, Lê Bống còn tham gia các hoạt động thiện nguyện như nấu ăn, giúp đỡ trẻ em mồ côi, người cao tuổi, tặng quà cho người vô gia cư, hiến máu nhân đạo... Kinh phí cho các hoạt động này được hot TikToker trích ra từ một phần doanh thu của cửa hàng.

Lê Bống cũng dành nhiều thời gian để trau dồi kiến thức, học các kĩ năng diễn xuất, dẫn chương trình để xây dựng hình ảnh tích cực, tràn đầy năng lượng và luôn cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Bạch Dương

Ảnh: NVCC

Từ nghe tiếng Anh bập bõm, nam sinh bứt phá lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge

Những ngày đầu học tại ngôi trường mới, Đăng gặp khó khăn vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thể theo kịp các bài học trên lớp. Tự động viên và đặt ra mục tiêu để cố gắng, Đăng dần cải thiện thành tích, bứt phá và lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge.

‘Kẻ trộm lương thiện’ trong trí nhớ của người thầy 75 tuổi

Với thầy Khang, dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

Cô giáo 'làm mới' những đứa trẻ ngỗ ngược, lầm lỡ

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) đã giúp nhiều trẻ vị thành niên ngỗ ngược, lầm lỡ thay đổi nhận thức, sống hướng thiện.

Trao tặng 230 xe lăn, hơn 600 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Trong khuôn khổ CSR Day lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao tặng 230 xe lăn cho người khuyết tật và 630 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Nữ giáo sư trẻ nhất ngành y quê Thái Bình, học đại học nổi tiếng trong nước

Chị Trịnh Thị Diệu Thường là tân giáo sư trẻ nhất ngành y năm 2024, hiện làm việc tại Bộ Y tế. Chị quê ở Thái Bình, được đào tạo hoàn toàn trong nước.

Con đứng nhất lớp, học thêm tốn gấp 10 lần học chính, mẹ vẫn lo bị tụt phía sau

Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.

'Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm'

Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm. Việc này cũng cần được áp dụng cho tất cả các trường học trên toàn quốc.

Học sinh thiết kế phần mềm ứng dụng cảnh báo trẻ gặp nguy hiểm

Với ứng dụng thông minh cảnh báo tình huống nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ, đội thi Supernova từ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng đã giành giải nhất cuộc thi Solve for Tomorrow 2024.

Cô giáo xin mua laptop không được giảng dạy đến hết năm học

Cô giáo xin mua laptop ở Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM không được đứng lớp giảng dạy từ nay đến hết năm học 2024-2025.

'Nhìn thầy cô từ chối miễn học phí cho con, nhân viên trường học càng tủi’

"Trong trường học đâu chỉ có nhà giáo, chúng tôi - nhân viên văn thư, kế toán... cũng cống hiến, có khi một lúc phải kiêm vài nhiệm vụ, lương bèo bọt, không phụ cấp, nhưng lại bị 'quên' trong đề xuất miễn học phí của Bộ GD-ĐT", một độc giả bày tỏ.

Đang cập nhật dữ liệu !