Lấy ý kiến học sinh vụ phạt 231 cái tát: Lấy sai để sửa sai!
Những học sinh của lớp 6.2 này phải trả lời hàng loạt câu hỏi của nhà trường - Ảnh: QUỐC NAM |
Với việc lấy phiếu thăm dò này, lãnh đạo Trường THCS Duy Ninh đã khiến cho sự việc bị "tăng nặng" hơn ngoài ý muốn.
Từng được nhiều người ví giống như cái tát vào ngành giáo dục, câu chuyện "tát 231 cái" biểu lộ sự yếu kém về nhận thức và phương pháp sư phạm. Và điều đáng sợ hơn, có thể gây hệ lụy lâu dài hơn không dừng lại ở một vụ bạo hành mà là việc nhà trường, giáo viên gián tiếp dạy trẻ con ứng xử bạo lực, sự vô cảm, lạnh lùng trước tổn thương của người khác.
Lẽ ra sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường, thậm chí rộng hơn là lãnh đạo ngành GD-ĐT Quảng Bình cần có những cuộc thảo luận về phương pháp giáo dục học sinh như thế nào cho đúng, rút ra bài học cần thiết trên cơ sở phân tích những tác động tiêu cực đến học sinh. Nhưng Trường THCS Duy Ninh lại tiếp tục làm một việc sai lầm là lấy phiếu khảo sát học sinh về sự việc.
Có hai điểm gợn trong việc làm này. Thứ nhất, phiếu lấy ý kiến bắt buộc học sinh ghi rõ họ tên. Điều này sẽ khó có thể thu nhận một kết quả khách quan. Bởi vì lo sợ, căng thẳng, hoảng loạn, các em học sinh lớp 6 sẽ dễ dàng trả lời theo chỉ dẫn, theo chủ ý của người tổ chức cuộc khảo sát.
Điểm gợn thứ hai là nội dung 18 câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời mà nhiều bậc cha mẹ sẽ cảm thấy đau lòng và lo ngại. Và đương nhiên, nó phản giáo dục khi bắt học sinh miêu tả lại hình phạt một cách cụ thể.
Nếu hành vi của cô giáo khi yêu cầu học sinh tát bạn gián tiếp khích lệ ứng xử bạo lực ở trẻ con thì hành động của lãnh đạo Trường THCS Duy Ninh lại khuyến khích học sinh nói dối, chối bỏ trách nhiệm mình đã làm.
Những câu hỏi tựa công an hỏi cung như: "Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?", "Cô T. đứng cùng chiều hay ngược chiều với bạn N.?", "Sau khi tát má bạn N. có đỏ không?"... thật sự không cần thiết với chức năng của nhà trường khi sự việc đã được công an vào cuộc.
Đọc bản tổng hợp ý kiến khảo sát, những nhà giáo dục có lương tâm hẳn sẽ không khỏi suy nghĩ khi 23/23 học sinh cho biết "khi tát N., không có bạn nào sợ hãi hoặc khóc".
Đã thế, trong báo cáo gửi cấp trên, lãnh đạo trường còn chú thích chị họ của N. học cùng lớp cũng tát nhưng không khóc. Nếu mục đích của nhà trường chỉ muốn làm rõ "hậu quả em N. bị tát không nghiêm trọng", dẫn chứng là không ai sợ hãi và khóc thì thật đáng sợ.
Những đứa trẻ học được gì sau câu chuyện tát bạn và việc điền vào bản khảo sát này?
Bạo lực học đường với hành vi học sinh bắt nạt, gây tổn thương cho học sinh vẫn là việc bị lên án. Và vì mục đích làm nhẹ mức độ ảnh hưởng uy tín của nhà trường, những người làm công tác giáo dục đã bỏ qua mục tiêu giáo dục nhân cách học sinh, những đứa trẻ trở thành công cụ cho người lớn giảm bớt trách nhiệm?
Câu chuyện khảo sát này khiến nhiều người nhớ đến một việc làm tương tự của hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) khi cần "bằng chứng" chối tội đã lấy phiếu khảo sát 100% đối với giáo viên và học sinh, xác nhận không có vụ việc ôtô đâm vào học sinh trong sân trường. Việc vô tình làm học sinh bị thương là một lỗi nhẹ hơn việc trốn tránh giải quyết hậu quả và còn nhẹ hơn việc gián tiếp dạy học sinh nói dối.
Nhà trường đã làm một việc không nên làm
Tôi không biết mục đích phát phiếu thăm dò của nhà trường là gì, có thể muốn minh oan, nhẹ tội cho cô giáo, hay muốn làm rõ mức độ vi phạm thì đều là việc không cần thiết vì sự việc đã rõ. Việc cô giáo yêu cầu học sinh tát em N., cho dù em N. có "bị đỏ má hay không", có "khóc hay không khóc" thì cô giáo vẫn sai.
18 câu hỏi đều chỉ nhằm cụ thể hóa hình phạt, cứ tạm coi những câu trả lời của học sinh là khách quan thì việc này thêm một lần nữa lại là cách đi ngược với mục đích giáo dục. Ở đây là giáo dục pháp luật, giáo dục ứng xử văn hóa, giáo dục nhân cách theo hướng giảm bớt bạo lực, giúp trẻ biết yêu thương, biết hành xử đúng mức trong một tình huống cụ thể.
Tôi nghĩ lẽ ra việc nhà trường cần làm là ổn định tâm lý học sinh sau sự cố đã xảy ra. Những hoạt động tổ chức chỉ nhằm giúp học sinh hiểu mặc dù phải tuân thủ yêu cầu của giáo viên, của nhà trường nhưng những việc vượt quá giới hạn thì cần phải thể hiện quyền được phản đối, hướng dẫn học sinh cách giải quyết trong tình huống cụ thể. Quan trọng nhất là thông tin đến học sinh về cách làm của cô giáo và học sinh khi tát bạn N. là sai. Có nhiều cách giúp bạn khi bạn mắc lỗi mà không sử dụng hành vi bạo lực.
Nhà trường có thể nhân sự việc này để rút ra bài học cho đội ngũ giáo viên, tăng cường giáo dục học sinh để xây dựng môi trường giáo dục văn hóa. Đáng tiếc, lãnh đạo trường lại thực hiện một việc làm không nên làm và phản giáo dục.
TS NGUYỄN TÙNG LÂM (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)