Lấy ý kiến góp ý cho Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030
Ngày 7/5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tư vấn, góp ý cho Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và dự thảo 2 bộ tiêu chí huyện học tập, tỉnh, thành phố học tập.
Tại cuộc họp, GS.TS Phạm Tất Dong - Trưởng tiểu ban giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời (HTSĐ) cho biết: "Việc xây dựng xã hội học tập Việt Nam đã điễn ra từng giai đoạn khác nhau.
Tuy nhiên, trong 10 năm tới (2021-2030) rất cần một đề án xây dựng xã hội học tập có tính mở, hướng tới mục tiêu HTSĐ thích ứng với đời sống xã hội hiện nay và gắn với chuyển đổi số. Vì vậy, việc lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn, góp ý cho Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và dự thảo 2 bộ tiêu chí huyện học tập, tỉnh, thành phố học tập là rất cần thiết, là cơ sở để Bộ GD&ĐT hoàn thiện Đề án trình Chính phủ".
Báo cáo Dự thảo Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ những cơ hội và thách thức mà bối cảnh thời đại số đã đặt ra đối với xây dựng xã hội học tập, việc xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thực sự cần thiết và cấp bách tại Việt Nam.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Kế hoạch soạn thảo Đề án; thành lập Ban soạn thảo Đề án; tổ chức nghiên cứu các tài liệu về kinh nghiệm xây dựng xã hội học tập của một số nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng dự thảo Đề án; tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương và các chuyên gia. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương, Bộ GDĐT tổng hợp trình Chính phủ.
Báo cáo tổng quan về thành phố học tập và việc xây dựng 2 bộ tiêu chí Huyện học tập và Tỉnh/Thành phố học tập dành cho Việt Nam, bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều chọn cộng đồng học tập là những thành phố - Thành phố học tập.
Đây là mô hình cộng đồng học tập đã được nhiều nước đưa vào chương trình phát triển của mình. Tổ chức UNESCO hỗ trợ cho chương trình này và làm nhiệm vụ kết nối các quốc gia có kế hoạch xây dựng các Thành phố học tập.
Toàn cảnh cuộc họp |
UNESCO cũng đưa ra và khuyến nghị áp dụng một Bộ tiêu chí Thành phố học tập gồm 42 tiêu chí cho các nước trên thế giới. Trong quá trình phát triển của mô hình này, mỗi bước đi lên của cộng đồng học tập kéo theo việc bổ sung hoặc thay đổi các tiêu chí theo hướng nâng cao và ngày càng hoàn thiện hơn cũng như mang đặc thù riêng của các quốc gia.
Ở Việt Nam, việc lựa chọn địa bàn xây dựng Xã hội học tập là cấp hành chính xã. Đến nay nước ta đã hoàn thiện mô hình học tập xã học tập, phường học tập, thị trấn học tập. Theo phân cấp hành chính, bước tiếp theo trong quá trình hoàn thiện các mô hình học tập để xây dựng một xã hội học tập là cần phải xây dựng các huyện (gồm thành phố trực thuộc tỉnh) học tập, và tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương học tập.
Tại phiên họp, các đại biểu phát biểu ý kiến tư vấn góp ý về tính cấp thiết và ý nghĩa của Đề án; mục tiêu của Đề án; các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; phương thức và các điều kiện để tổ chức thực hiện Đề án cùng các chỉ số liên quan đến Bộ tiêu chí Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương học tập; cách thức triển khai 2 bộ tiêu chí.
Ghi nhận các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các đơn vị chức năng sớm hoàn thiện Đề án cùng các bộ tiêu chí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quan điểm chỉ đạo, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Theo Thứ trưởng, một trong những mục tiêu trọng tâm mà Đề án của giai đoạn 2021-2030 cần hướng tới là xây dựng xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số. Về chỉ tiêu cần thống nhất và đồng bộ nâng cao năng lực ngoại ngữ và xoá mù chữ đối với các đối tượng đặc biệt. Về giải pháp cần phải đổi mới giáo dục thường xuyên để từng người dân và mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát triển xã hội học tập.
“Để xây dựng được xã hội học tập, cần có sự vào cuộc đồng bộ, nâng cao nhận thức, cơ hội tiếp cận và nguồn lực học liệu đáp ứng nhu cầu chung cho cộng đồng. Bởi đích đến cuối cùng của xã hội học tập là tạo công bằng, xoá rào cản và mở rộng cơ hội để mọi người dân được tiếp cận giáo dục và học tập suốt đời”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hoàng Thanh