Lao động nông thôn đã được quan tâm hơn
Trong đó, nhiều địa phương đã sử dụng kinh phí phân bổ năm 2011 chuyển sang, chủ động bố trí ngân sách địa phương hoặc lồng ghép với chương trình, dự án và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp kết hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương năm 2012 để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, điển hình như: Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp.
Gần 2 nghìn cơ sở dạy nghề đã chủ động, trực tiếp về các xã nắm nhu cầu học nghề của lao động nông thôn khi được giao ký hợp đồng đào tạo và kinh phí. Nhiều địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm, phát huy thế mạnh của địa phương như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Cần Thơ… Nhiều điển hình lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ trang trại, tổ hợp tác, doanh nghiệp thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn được xây dựng thành công đã được nhân rộng; số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được xuất khẩu lao động hoặc được chuyển nghề. Qua đó, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả; tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch nông thôn mới…Tư vấn, học nghề, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm chưa giúp được nhiều cho người học chọn nghề phù hợp với điều kiện, khả năng của mình. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập…
Nguyên nhân của những tồn tại trên chủ yếu là do nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đầy đủ. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương chưa xác định rõ mục tiêu, giải pháp cụ thể cho công tác này, chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức, thiếu chính sách cụ thể để huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác này.
Năm 2013, cả nước phấn đấu dạy nghề cho khoảng 600 nghìn lao động nông thôn. Để hoàn thành mục tiêu này thì cần tập trung triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả, dạy nghề gắn với các doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần rà soát lại danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, giám sát thực hiện đề án một cách nghiêm túc, nhất là thanh tra công tác hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn./.