Lao động là nam giới chiếm 52% tổng số lao động
Chỉ tiêu hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ)” là một trong những chỉ tiêu của mục tiêu “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động”.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện và đánh giá khả năng thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020, tính đến ngày 01/7/2017, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam 28,3 triệu người, chiếm 52%, lao động nữ là 26,2 triệu người, chiếm 48%.
Trong năm 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành đã triển khai giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động (tăng 0,98% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 và 2014), trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48%.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ tiêu này được đánh giá đạt và giữ ổn định qua các năm. Do đó, chỉ tiêu này dự kiến sẽ đạt theo yêu cầu của Chiến lược vào năm 2020.
Tuy nhiên còn có một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện chỉ tiêu này gồm: Mặc dù chỉ tiêu này được đánh giá đạt ngay từ năm đầu tiên thực hiện, song chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, quý 2/2017, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng là 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng).
Mặt khác, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề trong thị trường lao động hiện nay, nhất là lao động nữ trong các khu công nghiệp chủ yếu do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc. Nghiên cứu của Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017 đã khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, có nơi tới 80% lao động bị sa thải là phụ nữ tuổi trên 35. Tuy nhiên phạm vi nghiên cứu rất hẹp, số liệu khảo sát này chỉ có tính tham khảo.
Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều cách khác nhau như chuyển người lao động lớn tuổi sang vị trí công việc khác không phù hợp với khả năng hoặc mở các đợt kiểm tra, sát hạch hoặc thậm chí yêu cầu tăng năng suất lao động để buộc người lao động phải tự bỏ việc.
Trong khi đó, ở độ tuổi sau 35 việc học nghề đối với lao động nữ gặp nhiều khó khăn về tài chính và thời gian, vì vậy phần đông lao động nữ sau khi mất việc làm thường trở về quê hương làm các công việc tự do, không ổn định. Vấn đề này đang được các cơ quan Chính phủ nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, khách quan, khoa học để sớm có những chính sách về quản lý lao động, giải quyết việc làm nhằm tránh những hệ lụy của tình trạng này.
Hiện cả nước có 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 324 khu công nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm đa số. |
Trước mắt, tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, đồng thời nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ Luật lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt của lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Hiện cả nước có 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 324 khu công nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm đa số. Phần lớn công nhân lao động đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ với chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất thường còn thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con công nhân, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt tinh thần cho công nhân. Điều kiện sinh hoạt hạn chế, không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho công nhân sau giờ làm việc, ảnh hưởng đến sự hồi phục, tái tạo sức lao động. Mặt khác, một bộ phận các doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân tại nơi làm việc, nhiều nữ công nhân ít được tiếp cận thông tin, các hoạt động văn hóa, xã hội.
Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định
số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân.
Trong giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ đã bố trí 141,7 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để triển khai Đề án này. Tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn còn sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam giảm 2% (đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 31 năm) thì lao động nữ giảm trong khoảng 2% đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội (đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 30 năm) so với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018.