Lào Cai: Triển khai linh hoạt nhiều mô hình giúp bà con dân tộc giảm nghèo
Cây tam thất, cứu cánh cho bà con Simacai thoát nghèo |
Giảm nghèo bền vững là mục tiêu đầu tiên trong xây dựng NTM
Xã Bản Xèo, huyện Bát Xát là một trong những địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất của tỉnh. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Xèo chiếm 64,5%, năm 2016 đã giảm còn 32,2%.
Chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo tại địa phương, ông Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết: “Để giúp đỡ người dân giảm nghèo, chính quyền xã đã chọn ra cây trồng chủ lực là cây đao riềng, hỗ trợ giống và kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho người dân thông qua hợp tác xã sản xuất và chế biến miến đao. Cây đao riềng đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cũng từ mô hình giảm nghèo này, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm được cải thiện đáng kể, hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Xã Bản Xèo đang nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 18% và hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2018”.
Ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh đánh giá: Tỷ lệ giảm nghèo càng nhanh thì công tác xây dựng NTM càng thuận lợi. Công tác giảm nghèo mang tính chất quyết định đến các tiêu chí trong xây dựng NTM như vấn đề thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và liên quan đến các tiêu chí khác. Tỷ lệ hộ nghèo cao đồng nghĩa với việc huy động sự đóng góp từ cộng đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ gặp nhiều khó khăn, địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo thấp thì thực hiện các tiêu chí thuận lợi hơn nhiều.
Triển khai linh hoạt từng địa phương
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới với 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh chiếm 35,9%, dân tộc Hmông chiếm 22,21%, tiếp đến là dân tộc Tày 15,84%, Dao 14,05%, Giáy 4,7%, Nùng 4,4%, còn lại là các dân tộc đặc biệt ít người Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì, La Chí,...
Đặc biệt tỉnh có 3 trong tổng số 61 huyện nghèo nhất cả nước đời sống người dân ở những huyện này còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2015, tỉnh Lào Cai có 53.605 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 34,3% số hộ của toàn tỉnh.
Trước tình hình đó, những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Theo đó, mỗi huyện lại có cách làm khác nhau, chủ động chọn ra cây trồng, vật nuôi hoặc mô hình kinh tế chủ lực để giảm nghèo.
Chẳng hạn như tại huyện Mường Khương, để hỗ trợ người dân giảm nghèo nhanh và bền vững, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã chủ động khai thác thế mạnh của từng khu vực, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Các dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, như nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ, nuôi cá lồng trên sông Chảy.
Các vùng trồng chè, dứa, chuối, ớt… theo quy mô lớn mang tính hàng hóa đã giúp người dân có thu nhập ổn định, nhiều lao động nông thôn có việc làm, đời sống được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi.
Hay tại Bảo Yên ,Văn Bàn, lãnh đạo huyện đã nhân rộng mô hình trồng cây tam thất tại Si Ma Cai; hay phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn tại huyện Bảo Thắng; mô hình cây ăn quả, hoa, rau ôn đới tại Sa Pa, Bắc Hà… đang trở thành những mô hình sản xuất tiêu biểu giúp người dân giảm nghèo bền vững và góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM.