Lãnh đạo CDU tiếp tục ‘dội gáo nước lạnh’ vào Nord Stream 2
Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Đức cho rằng, đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) sẽ không được đưa vào hoạt động trong những tháng hoặc năm tới.
“Tôi không nghĩ rằng trong những tháng tới hoặc thậm chí những năm tới đường ống này sẽ được đưa vào hoạt động. Theo tôi việc tạm ngừng hoạt động sẽ kéo dài khá lâu”, chính trị gia người Đức nói với đài phát thanh Deutschlandfunk.
Trong khi đó, theo Handelsblatt khi bình luận về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhà điều hành Nord Stream 2 AG cho biết, “về mặt lý thuyết, việc vận hành Nord Stream 2 là có thể thực hiện được mà không cần sự chứng nhận của cơ quan quản lý, khoản tiền phạt sẽ lên tới 1 triệu euro”.
“So với chi phí xây dựng đường ống dẫn khí ước tính hơn 10 tỉ euro, số tiền này sẽ không đáng kể”, Handelsblatt giải thích.
Nga khẳng định tiếp tục cung cấp khí đốt cho thế giới dù Đức đình chỉ Nord Stream 2. (Ảnh: Nord Stream 2 AG) |
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck nói, ông không nhìn thấy triển vọng khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
Hơn nữa, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Chính phủ nước này đang ngừng cấp chứng chỉ cho dự án Nord Stream 2 sau khi Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk.
Ông Scholz cho biết, chính ông đã yêu cầu Bộ Kinh tế thu hồi báo cáo có nội dung phân tích về an ninh năng lượng của Cơ quan mạng lưới điện liên bang (BNA). Đồng thời, ông nói thêm rằng “nếu không có chứng nhận này, Nord Stream 2 không thể được khởi động”.
Liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine, Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Tư (23/2) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG, nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga và Giám đốc điều hành Matthias Warnig của dự án.
EU cần thay đổi hướng đi
Theo một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu, nền kinh tế châu Âu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vì vậy để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa đã đến lúc các nước châu Âu cần tính đến những lo ngại về an ninh của Nga và yêu cầu Washington thay đổi lộ trình ngăn chặn.
Các tác giả lưu ý rằng, sự phát triển của tình hình ở Ukraine sẽ có những hậu quả chính trị và kinh tế sâu rộng ở châu Âu. Xung đột quân sự trên lục địa châu Âu chắc chắn sẽ giáng đòn vào nền kinh tế lục địa này vốn đang có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch từ đầu năm đến nay, sự leo thang của xung đột ở Ukraine sẽ dễ dàng làm trật bánh.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, cuộc xung đột sẽ mang lại một số hậu quả không mong muốn, một trong những hậu quả trực tiếp sẽ là dòng vốn từ các thị trường châu Âu sang Mỹ, được cho là sẽ giảm bớt một phần áp lực đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cơ quan đang xem xét tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng ở Mỹ.
Bên cạnh đó, các tác giả cho biết thêm, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đồng nghĩa với việc nhiều nước châu Âu sẽ phải phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ do Mỹ cung cấp. Và tất nhiên khi giá dầu và khí đốt tăng lạm phát ở các nước châu Âu sẽ tăng lên.
Xung đột ở Ukraine có nghĩa là về cơ bản không thể tiếp tục với dự án Nord Stream 2 vì Đức đã quyết định trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận và nếu không có dự án này nhu cầu năng lượng của Đức và các nước EU khác sẽ bị ảnh hưởng.
Thanh Bình (lược dịch)
Dòng người Ukraine ùn ùn di tản đến nơi an toàn
Nhiều người Ukraine bắt đầu rời khỏi các thành phố bị pháo kích sau khi Nga tuyên bố bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Donbass.