Đức đình chỉ Nord Stream 2, chuyên gia nói gì?
Nhà khoa học chính trị Đức, Giám đốc khoa học của diễn đàn Đức-Nga Alexander Rahr mới đây đã đánh giá hậu quả của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vechernyaya Moscow ông Rahr gọi việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 là “sự tự sát đối với châu Âu”.
Trước đó, hôm 22/2, sau những động thái của Nga với Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thực hiện những bước đầu tiên để đình chỉ quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2.
Theo đó, ông Rahr gọi nhu cầu cung cấp khí đốt bổ sung từ Nga của các nước châu Âu để lấp đầy các kho chứa đang trống rỗng là “cơn co giật”. Ông dự đoán sẽ là “thảm họa” ở châu Âu nếu Nord Stream 2 bị bỏ rơi.
Đức đã quyết định dừng quá trình phê duyệt đối với Nord Stream 2 đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua Biển Baltic. (Ảnh: RIA) |
“Không ai muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khí đốt của Nga. Đó là thảm họa. Vì vậy, trong khi Đức để giữ thể diện và cho rằng muốn trừng phạt Nga vì hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Đồng thời, đưa ra hình thức trừng phạt này là nghiêm khắc nhất”, chuyên gia Rahr nhấn mạnh.
Nhà khoa học chính trị Đức cho rằng, các hành động của Berlin liên quan đến Nord Stream 2 sẽ không ảnh hưởng đến tình hình, vì đường ống dẫn khí đốt vẫn chưa được đưa vào hoạt động. Ông Rahr cho biết, việc tạm dừng cấp giấy chứng nhận dự án là biện pháp tạm thời. Theo ông Rahr, các biện pháp trừng phạt đáp trả của Nga có thể trở nên “rất cứng rắn” thời gian tới.
Chia sẻ với Sputnik, nhà khoa học chính trị người Nga Vladimir Shapovalov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Chính trị Nga đã bình luận về tình hình.
“Phương Tây đã chèn ép Nord Stream 2 trong vài năm. Và bản thân chứng nhận như vậy chỉ là cách để trì hoãn việc vận hành dự án. Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì mới ngay bây giờ. Đây là giai đoạn tiếp theo, liên quan đến thực tế là Mỹ đang cố gắng tận dụng tình hình mới để một lần nữa gây áp lực lên Đức. Chúng tôi đã trải qua tất cả những điều này. Nhưng trong tình huống của Đức, đương nhiên đây là hành động vô cùng phi lý. Giới lãnh đạo Đức thực sự đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của nước này, vào lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng năng lượng”, ông Shapovalov nhận định.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận xét về quyết định của Berlin đối với Nord Stream 2 khiến giá khí đốt trên thị trường năng lượng châu Âu sẽ sớm đạt 2.000 euro/nghìn mét khối.
“Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ thị ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Chào mừng bạn đến với thế giới mới, trong đó người châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 euro cho mỗi nghìn mét khối khí đốt!”, ông Medvedev viết trên tài khoản Twitter cá nhân.
Thủ tướng Đức không đưa ra dự báo về Nord Stream 2
Thủ tướng Olaf Scholz, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ARD đã không trả lời câu hỏi liệu quan điểm mới của Đức về chứng nhận Nord Stream 2 có nghĩa là việc vận hành đường ống dẫn khí đốt sẽ không bao giờ xảy ra hay không.
Đối với Ukraine, dự án của Nga có thể ảnh hưởng tới nguồn thu của đất nước vốn là điểm trung chuyển khí đốt của các dự án đường ống dẫn khí trước đó. (Ảnh: AP) |
Người đứng đầu chính phủ Đức đã được hỏi Nga nên làm gì để khởi động Nord Stream 2. “Trước hết, chúng tôi chưa nghĩ tới điều đó. Điều sẽ xảy ra bây giờ là một đánh giá an toàn mới đối với nguồn cung cấp khí đốt trong bối cảnh tất cả những gì đã xảy ra”, ông Scholz nói.
Các phóng viên cho rằng, những tuyên bố như vậy của phía Đức có thể được hiểu là đường ống “chắc chắn sẽ không được khởi động”.
“Không ai có thể đưa ra dự báo ngay bây giờ”, Thủ tướng Đức trả lời.
Ông Scholz giải thích rằng, Đức nên tuân theo các thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ cũng như các tuyên bố chung.
“Ví dụ, hành vi vi phạm luật pháp quốc tế sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt hiện đã được EU và Mỹ thông qua. Chúng tôi cũng nói rằng nếu thực sự có một cuộc tấn công vào Ukraine, thì nhiều biện pháp trừng phạt bổ sung nên được thông qua. Tất cả những điều này để đảm bảo hòa bình ở châu Âu”, ông Scholz nói thêm.
Thanh Bình (lược dịch)
Tình hình Ukraine sẽ thay đổi như thế nào sau khi Donbass được công nhận?
Theo các chuyên gia được Izvestia phỏng vấn, việc Nga công nhận sự độc lập của hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR) sẽ càng làm phức tạp thêm triển vọng gia nhập NATO của Ukraine.