Lần đầu tiên mở cửa Đấu trường La Mã tại Rome dưới lòng đất
Nơi được xem là hậu trường của những trận đấu khốc liệt của các đấu sĩ La Mã tại Đấu trường La Mã ở Rome sẽ mở cửa đón tiếp du khách tham quan.
Đấu trường La Mã ở Rome, với mái vòm cổ kính đặc trưng ở Italia là công trình lớn nhất xây ở Đế chế La Mã vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đây là điểm du lịch nổi tiếng thế giới thu hút hàng triệu khách ghé thăm mỗi năm.
Đấu trường La Mã ở Rome là một kiệt tác kiến trúc trường tồn cùng thời gian, khiến cho bất cứ ai một lần đến chiêm ngưỡng công trình đều choáng ngợp và nhớ mãi không quên.
Mới đây, đại diện quản lý của đấu trường cổ này tiết lộ thông tin họ sẽ mở cửa đón khách du lịch thăm quan phần nằm dưới lòng đất chưa từng được giới thiệu trước đây.
Lần đầu tiên mở cửa Đấu trường La Mã tại Rome dưới lòng đất |
Đây là lần đầu tiên khu vực ví như 'trái tim' của công trình kiến trúc được mở cửa cho công chúng. Khu vực các tầng hầm hay còn gọi là 'hypogea', nơi các đấu sĩ và động vật của họ chờ đợi trước khi tham gia chiến đấu.
Mọi người có thể tận mắt chiêm ngưỡng, đi qua các lối đi trên bệ gỗ, hành lang, cổng tò vò nối liền giữa các phòng chờ. Vào thời điểm xây dựng, người ta sử dụng nến để chiếu sáng những lối đi trong đường hầm. Nhưng sau này, bị phá huỷ nhiều nên ánh sáng mặt trời có thể chiếu xuống sâu đó.
Trước đó, Bộ văn hoá Italia đã tiến hành trùng tu các đường hầm, lối đi, nơi những đấu sĩ chờ đợi trước cuộc chiến.
Alfonsina Russo, Giám đốc Công viên Khảo cổ Colosseum cho biết: "Việc trùng tu rất quan trọng, cho phép chúng tôi tái tạo lại lịch sử của Colosseum. Đây là hậu trường của các buổi đấu, nơi diễn ra mọi khâu chuẩn bị, các đạo cụ, người đấu sĩ và động vật đứng chờ trước khi ra sân khấu nhờ vào một loạt thang máy cổ".
Đấu trường La Mã do hoàng đế Vespasian xây dựng bắt đầu vào năm 72 trước Công nguyên, kết thúc 8 năm sau đó. Titus, con trai hoàng đế khi đó đã đứng ra tổ chức khánh thành Đấu trường La Mã, đánh dấu bằng 100 ngày trận chiến. Theo nhà sử học cổ đại Eutropius, khoảng 5.000 con vật đã bị giết trong những trận đấu khai mạc thời gian đó.
Vào thời hoàng kim, khán đài tại đấu trường có thể đón từ 50.000 đến 70.000 khán giả. Ngày nay, dù chỉ còn giữ lại chưa tới 1/3 cấu trúc ban đầu nhưng nó vẫn được coi là biểu tượng của đế chế La Mã và là một trong những tuyệt tác trường tồn cùng với thời gian.
Hoàng Dung (lược dịch)