Ngôi đền ở Nhật Bản tổ chức nghi lễ kỳ lạ ai đi qua cũng tò mò vào xem
Người thực hiện nghi lễ đầu đội củ hành lá để cầu mong bình an cho mọi nhà và vượt qua thiên tai.
Aruka ở thành phố Ebina, Nhật Bản là ngôi đền cổ nhất ở tỉnh Sagami, hơn 5.000 tuổi, nhưng nơi đây thu hút khách du lịch không chỉ vì lý do này mà còn bởi một nghi lễ độc đáo khiến ai nhìn vào cũng tò mò tìm hiểu ý nghĩa của nó.
Nghi lễ độc đáo liên quan đến một thầy tu đầu đội chiếc mũ dài 2 mét hình củ hành lá diễn ra hàng năm tại Đền Aruka.
Negi-san, thầy tu đứng đầu ngôi đền đã thực hiện nghi lễ hành lá được khoảng 4 năm. Nhưng từ năm ngoái, sau khi hình ảnh Negi-san đội chiếc mũ kỳ quái trên đầu lan truyền trên mạng xã hội thì nó càng trở nên nổi tiếng.
Ngôi đền ở Nhật Bản tổ chức nghi lễ kỳ lạ ai đi qua cũng tò mò vào xem |
Nghi lễ khác lạ thu hút cả khách du lịch quốc tế và khách trong nước. Trong nghi lễ, Negi-san đeo mặt nạ, mặc một chiếc váy màu xanh lá cây, áo sơ mi trắng kết hợp với trang trí hành lá xanh trên đầu. Người đàn ông này đội chiếc mũ dài khoảng 2 mét, cúi xuống để đi qua mọt vòng tròn nhỏ quấn bằng dây thừng, đặt trên giá.
Nghi lễ hành lá lấy cảm hứng từ mong muốn của thầy tu đứng đầu đền nhằm mục đích làm giảm đi tính cứng nhắc quan niệm về tín ngưỡng tôn giáo, vốn phải rất trang trọng và đầy quy chuẩn.
Một vài năm trước, Miwako Kojima, 49 tuổi, đã đội một chiếc đầu gấu trúc giả và trở thành gấu Panda Myiaji, nhân vật hoạt hình đáng yêu để thu hút nhiều người đến với đền Aruka.
Sau đó, vào năm 2017, chính Miwako Kojima lại sáng tạo một ý tưởng mới. Tên của thầy tu đứng đầu là "negi" có cách phát âm giống với từ "củ hành" trong tiếng Nhật, vì vậy Miwako Kojima đã quyết định tạo ra một nhân vật và nghi lễ mới tương đồng với phát hiện mới đó. Và đây là cách nghi lễ 'củ hành lá' ra đời.
Trang phục Negi-san mặc là sự kết hợp giữa hai màu xanh lá cây và trắng, nhưng phụ kiện nổi bật nhất chính là chiếc mũ đội đầu dài 2 mét hình củ hành lá. Chiếc mũ độc đáo làm bằng bìa cứng màu trắng bọc giấy nến và gắn liền với nhau bằng băng dính.
Vì phải đội chiếc mũ rất dài ở trên đầu, mỗi lần đi qua các ô cửa rất khó khăn, nên nghi lễ không thể thực hiện trong nhà, mà hầu hết sẽ diễn ra ở ngoài trời do người đứng đầu ngôi đền trực tiếp biểu diễn.
Nghi thức mang tính biểu tượng nhất là đưa thầy tu đứng đầu đi qua một vòng tròn nhỏ. Negi-san cúi đầu để cố gắng chui qua vòng tròn, như một cách để cầu nguyện cho hòa bình và vượt qua mọi thiên tai.
Năm nay, vòng tròn đã bị làm nhỏ đi, làm cho nghi lễ trở nên thử thách hơn. Sự nổi tiếng của đầu củ hành Negi đã truyền cảm hứng cho thầy tu ở các ngôi đền khác làm ra những chiếc mũ hình độc đáo theo phong cách phù hợp với họ. Du khách đến thăm đền Aruka có thể tham gia thực hiện nghi lễ và điệu múa kỳ lạ.
Hoàng Dung (lược dịch)