Làm việc với trường Tôn Đức Thắng:Bí thư Thăng điện thoại ngay Bộ trưởng Bộ Y tế
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm việc tại ĐH Tôn Đức Thắng ngày 14/3 |
Ngày 14/3, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã làm việc với ĐH Tôn Đức Thắng. Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh trình bày một khó khăn của trường, như chiếc máy đo độ loãng xương PQCT, khi nhập về bị vướng quy định của Bộ Y tế, chưa được cấp phép nên hiện vẫn bị hải quan giữ lại từ tháng 11/2015 tới nay.
Ông Danh cho biết, nhà trường đã ủy thác cho một doanh nghiệp đại diện làm thủ tục với Bộ Y tế để nhập thiết bị PQCT về từ Đức. Tuy nhiên, tới nay, thiết bị trị giá 6 tỉ đồng này vẫn đang nằm ở cảng khiến Trường ĐH Tôn Đức Thắng gặp khó khăn trong công tác giảng dạy tại phòng thí nghiệm. Chiếc máy này được nhập về để phục vụ cho nhóm nghiên cứu về cơ xương, một trong 30 nhóm nghiên cứu của trường.
Bí thư Đinh La Thăng liền lấy điện thoại liên lạc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, đề nghị cho kiểm tra lại trường hợp cho “ngâm” máy kỹ thuật của ĐH Tôn Đức Thắng ở cảng. Ngay sau đó, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã liên lạc với hiệu trưởng Lê Vinh Danh để hỏi rõ trường hợp này, hứa sẽ kiểm tra và giải quyết sớm.
Lắng nghe tham vọng của trường muốn trở thành đại học số 1 của Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế 5 sao, vào top 500 trường đại học hàng đầu thế giới, Bí thư Thăng đặt nhiều câu hỏi: Trường sẽ làm gì để khác biệt, qua đó đạt thứ hạng cạnh tranh cao, muốn tự chủ, có quản lý mô hình trường theo doanh nghiệp không? Lương của giảng viên so với trường khác thì sao? Kết nối với các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, doanh nghiệp, các khu công nghiệp cao để đảm bảo đào tạo gắn nhu cầu thực tiễn thế nào? Trường có chủ trương đào tạo chương trình khởi nghiệp hay không?
Hiệu trưởng Lê Vinh Danh cho biết, ĐH Tôn Đức Thắng là trường phát triển mạnh các công trình nghiên cứu, trong đó chất lượng đào tạo luôn được ghi nhận với bằng chứng là 95% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Một số ngành đào tạo mũi nhọn của trường đã tạo được dấu ấn như Điện, Công nghệ thông tin, Bảo hộ lao động…
ĐH Tôn Đức Thắng là trường công lập tự chủ tài chính, mặc dù trường đã được quyền tự chủ nhiều mặt nhưng việc bổ nhiệm ban giám hiệu vẫn phải phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Trước câu hỏi của Bí thư Thăng: “Trường có muốn thí điểm quản lý như doanh nghiệp hay không?”, ông Lê Vinh Danh cho biết: Trường rất muốn nhưng chưa được cơ quan chủ quản đồng ý.
Trong buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN, cơ quan chủ quản của ĐH Tôn Đức Thắng, trình bày về bất cập trong điều 20 Luật Giáo dục. Theo đó, trường không được tự quyết định về nhân sự hiệu trưởng, hiệu phó, Bí thư Thăng nói: “Nếu vậy thì xin thí điểm. Kết quả tốt thì kiến nghị sửa luật”.
Một trong những kiến nghị của trường là có cơ chế được mở rộng thêm 12 ha đất để trong 7 năm lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. Bí thư Đinh La Thăng khẳng định, chỉ cần Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lo cơ chế, thành phố sẽ giải quyết vấn đề đất đai.
Ông kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên mạnh dạn trao cơ chế để ĐH Tôn Đức Thắng hoạt động tự chủ như một doanh nghiệp. Bí thư Thăng nhấn mạnh: “Tổng Liên đoàn nên trao quyền bổ nhiệm nhân sự cho trường. Không cần đưa các thành phần khác, những thành phần không thực sự gắn với trường vào Hội đồng trường (đại diện Liên đoàn lao động thành phố, UBND TP… Hiện nay Chủ tịch Hội đồng trường là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - PV). Đưa lãnh đạo thành phố vào kiêm nhiệm, rồi đi họp suốt, làm sao giải quyết được”.
Bí thư Thành ủy cho hay, trường cần xã hội hóa hơn nữa, chuyển sang mô hình quản lý của doanh nghiệp để chủ động quyết định tiền lương, thưởng, học bổng cho sinh viên, tăng học bổng thêm từ các nguồn thu, đối tượng con chính sách, nhà nghèo. Gắn mạnh mẽ giữa kết nối trường với viện khoa học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, khu công nghệ cao.
Đặc biệt, ông gửi gắm trường giúp thành phố tạo làn sóng khởi nghiệp cho sinh viên, không chỉ đào tạo chuyên môn mà đào tạo cả khát vọng làm giàu, đào tạo cách làm doanh nghiệp, làm giàu giỏi cho sinh viên từ khi vẫn còn đang ngổi trên ghế nhà trường.