Làm thế nào để biết một người bị đột quỵ?
Đột quỵ não được xem là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Nếu không phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng.
Tử vong vì sơ cứu sai
Ông N.B.T. (57 tuổi, Hà Nội) phải nhập viện do đột quỵ não. Kết quả chụp CT mạch máu não cho thấy ông T. bị phình hình thoi do bóc tách động mạch đốt sống trái lan vào gốc PICA trái. Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã nhanh chóng cấp cứu, trong hơn 1h đồng hồ, kíp can thiệp đã tiến hành hút huyết khối, nong bóng qua chỗ hẹp bóc tách và gốc PICA trái để khơi thông được mạch đang bị tắc nghẽn. Bệnh nhân được cứu sống. Trường hợp này may mắn vì người nhà đưa vào cấp cứu kịp thời.
Còn trường hợp của bà N. T. V 45 tuổi, Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp. Buổi sáng đi làm bà V. thấy mệt nên đã đi taxi về nhà nghỉ. Ở nhà, bà thấy mệt hơn nên vào giường ngủ. Con gái thấy mẹ mệt nên mang sữa và đồ ăn lên. Đến chiều, chồng bà V. về cho vợ uống sữa thì đã không kịp. Bà V. bị đột quỵ, uống sữa không được, tiểu tiện không tự chủ. Khi đưa vào viện cấp cứu não tổn thương nghiêm trọng. Sau 1 tuần cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Trường hợp của bà V. người nhà không nhận biết được bệnh sớm để đưa đi cấp cứu kịp thời dẫn tới quá thời gian vàng. Khi vào viện bệnh nhân đã quá thời gian sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cũng như lấy huyết khối, não tổn thương nghiêm trọng.
Thạc sĩ Bình chỉ ra 4 dấu hiệu của đột quỵ bạn cần nhớ |
ThS.BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đột quỵ não là tình trạng tổn thương chức năng thần kinh xảy ra đột ngột do nguyên nhân mạch máu não (thường tắc hay vỡ động mạch não) gây nên yếu liệt nửa người, rối loạn tri giác. Các triệu chứng trên thường xảy ra đột ngột, có thể tự hồi phục hoàn toàn trước 24 giờ (gọi là đột quỵ não thoáng qua) hoặc tồn tại hơn 24 giờ và thường là nhiều tháng, nhiều năm (gọi là đột quỵ thực sự), làm cho người bệnh giảm khả năng làm việc và lao động.
Làm thế nào để biết một người bị đột quỵ?
Sử dụng các chữ cái trong “F.A.S.T” để phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ và biết khi nào cần gọi cấp cứu 115.
Face Drooping
Xác định có bị méo miệng hay không, yêu cầu người đó mỉm cười, nụ cười người đó có đều hay bị lệch?
Arm weakness
Là một cánh tay yếu hay tê, yêu cầu người đó giơ cả hai tay, cánh tay nào rơi xuống trước là bị yếu
Speech
Xem người đó có bị khó nói hoặc khó hiểu không, yêu cầu người đó lặp lại một câu đơn giản.
Time to call 115
Nếu người đó có bất kì triệu chứng nào, thậm chí là đã biến mất, hãy gọi cấp cứu 115 và đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Theo bác sĩ Bình, những người có yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp như người hút thuốc lá và tiếp xúc với người hút thuốc, bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, thừa cân, cholesterol máu cao, chế độ ăn uống không lành mạnh: nhiều muối, thừa mỡ, uống nhiều rượu, không hoạt động thể chất, tình trạng căng thẳng về tâm lý.
Có những yếu tố nguy cơ không thể sửa đổi được hoặc khó kiểm soát như:
Những người trong gia đình có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, chủng tộc, sắc tộc. Đột quỵ cũng liên quan tới yếu tố tuổi tác, giới tính.
Phòng đột quỵ, bác sĩ Bình cho biết những người bị tăng huyết áp, người có yếu tố nguy cơ cần phải cực kỳ chú ý. Về chế độ ăn uống, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì.
Thực hiện chế độ ăn muối và kali hợp lý: Ăn mặn làm tăng huyết áp. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 6g muối ăn mỗi ngày. Nên bổ sung kali bằng ăn thêm hoa quả và rau tươi. Giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn. Cai thuốc lá triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng, nhất là ở những người hút trên 40 điếu mỗi ngày.
Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ như làm hạ huyết áp, giảm béo phì, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch.
Bệnh nhân phải dùng thuốc thì phải sử dụng theo đơn của bác sĩ, không bỏ thuốc vì bỏ thuốc nguy cơ hình thành cục máu đông rất lớn.
Khánh Chi