Làm Shark khó lắm, phải đâu chuyện đùa: Đi quay muộn 1 phút, mất ngay 5 triệu đồng
Thương Vụ Bạc Tỷ – Shark Tank Việt Nam là một trong những show truyền hình về đầu tư khởi nghiệp thu hút bậc nhất hiện nay. Trải qua 3 mùa phát sóng, ngoài sự hấp dẫn, kịch tính và thú vị của những thương vụ, chính thân thế và phong cách độc đáo của từng Shark khi "săn mồi" cũng là điều gây chú ý tới khán giả.
Tuy nhiên, có thể ít người biết, để tham gia Shark Tank, không chỉ startup mà ngay cả các Shark cũng phải tuân thủ những luật lệ khắt khe của chương trình.
1. Đi muộn bị phạt tiền triệu
Trong một video hậu trường do đội ngũ Shark Tank đưa ra gần đây, Shark Dũng Nguyễn là người phải trả giá đắt, theo đúng nghĩa đen, vì lý do đi muộn. Theo đó, "cá mập công nghệ" đã mất 5 triệu đồng vì đi muộn một phút vào buổi sáng, dù chưa săn được con mồi nào trong suốt thời điểm ghi hình hôm đó.
Tương tự, trong video khác có tên "Lục túi cá mập", được thực hiện vào thời gian nghỉ giải lao, Shark Hưng đã giơ ra một xấp tiền 500.000 đồng và vui vẻ tiết lộ: "Các shark không có gì ngoài tiền, nhưng tiền này không phải của các Shark là mà là tiền phạt nhé các bạn. Mỗi phút phạt 1 triệu đồng nếu ai vào trường quay muộn. Sáng nay có 1 Shark đi muộn 12 phút nên bị phạt 12 triệu đồng".
2. Tự tính tay các vấn đề về số liệu
Do không được sử dụng công nghệ hỗ trợ cho việc tính toán nên các Shark phải sử dụng công cụ khác là quyển sổ và cái bút. Đây là hai vật dụng rất quan trọng và quen thuộc trong mỗi chương trình, được Shark dùng để ghi chép lại thông tin tài chính do phía startup đưa ra, sau đó tự tính toán và ra quyết định đầu tư.
Vì vậy không khó hiểu nếu các Shark gặp lỗi sai khi tính toán. Trong tập 9 Shark Tank Việt Nam, Nguyễn Tiệp - Founder kiêm CEO mạng xã hội du lịch Astra cho biết startup này đã gọi vốn thành công từ hai nhà đầu tư thiên thần, mỗi nhà đầu tư đã rót vốn 50.000 USD đổi lấy 3% cổ phần. Nghe đến đây, Shark Bình đã nhanh chóng tính nhẩm: "Định giá công ty lúc ấy khoảng 3 triệu USD…". Nhưng thực tế, số vốn rót của cả hai nhà đầu tư thiên thần cộng lại là 100.000 USD đổi lấy tổng cộng 6% cổ phần, vậy nên mức định giá của Astra sẽ sẽ là 1,667 triệu USD, khớp với tính toán của Shark Dzung sau đó.
3. Câu nói đầy quyền lực: Tôi không đầu tư
"I'm Out- Tôi Không Đầu Tư " là một trong những luật vàng tạo nên sự thú vị của phiên bản Shark Tank Mỹ cũng như phiên bản Shark Tank Việt Nam. Một khi Shark đã tuyên bố ra khỏi bể thì sẽ không được quay trở lại tiếp tục tham gia đàm phán với startup nữa.
Có thể thấy trong tập 10, Shark Dũng tuyên bố không đầu tư vào startup xe máy điện Datbike vì cho rằng sản xuất không phải lĩnh vực thế mạnh của mình. Nhưng sau đó thấy startup bị các Shark "chê" nhiều, anh quyết định thay đổi ở phút thứ 89. Tuy nhiên Shark Việt ngay lập tức khẳng định: "Luật chơi rồi, em out là out vĩnh viễn". Vì vậy Shark Dũng không có quyền đàm phán với founder Datbike và cuối cùng thương vụ được chốt với Shark Hưng ở mức 60.000 USD cho 2% cổ phần, cộng thêm 2% ESOP có điều kiện đi kèm.
4. Các Sharks không được liên hệ với startup khi đã "từ chối đầu tư"
Đối với mỗi startup, các Shark phải đầu tư số tiền lớn hơn hoặc bằng số tiền mà startup yêu cầu chứ không được phép ít hơn. Do đó, các Shark chỉ có thể thương thuyết bằng cách nâng tỷ lệ cổ phần nhận được cho mỗi khoản đầu tư của mình.
Khi không đạt được thỏa thuận chung hoặc không hứng thú với startup, mối quan hệ đầu tư giữa hai bên sẽ chính thức kết thúc. Theo luật của chương trình, kể cả sau khi hoàn tất buổi thương thuyết và ghi hình, các startup và các Shark không được trao đổi hoặc liên lạc với nhau về vấn đề kinh doanh khi họ đã tuyên bố là không đầu tư hoặc không nhận đầu tư.
Tuy điều quy định của Shark Tank Việt Nam khá khắt khe nhưng không ít lần người xem phát hiện các Shark đã vi phạm hoặc tìm cách lách luật.
Ví dụ, các Shark không được dùng các công cụ hỗ trợ như máy tính và điện thoại nhưng trong tập 6, cũng là tập ra mắt đầu tiên, Shark Bình đã dùng điện thoại để kiểm tra thông tin startup đưa ra. Hay trong tập 15, vì đã quyết định out khỏi deal Viec.co, nên muốn quay lại đầu tư tiếp, Shark Liên đã "lách luật" bằng cách đầu tư "ké" vào deal của Shark Dũng.