Làm sao để trẻ xóa mặc cảm “Con bị SIDA”
Trẻ nhiễm HIV được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân TPHCM |
Ngày 30/7, Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã khởi động dự án “Đảm bảo các trẻ em nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận và thụ hưởng Quyền trẻ em”. Dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao nhận thức cộng đồng pháp lý, cách thức thực hiện quyền trẻ em phù hợp với pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các quyền về pháp lý, chăm sóc, giáo dục vui chơi cho trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân (Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM) cho biết, số trẻ dưới 16 tuổi bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại TPHCM ước tính khoảng 25.000 trẻ, trong đó trẻ bị nhiễm HIV khoảng 1.228 em; trẻ đang điều trị ARV là 1.162 em.
Mặc dù đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, thông tin, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ hành vi của trẻ và thiếu niên trong trường học và ngoài cộng đồng, nhằm giúp trẻ tự phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho cá nhân, cộng đồng, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em và người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhưng thực tế, vẫn còn không ít trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, trẻ nhiễm HIV khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em, người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được người dân biết đến. Vẫn còn hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đội ngũ cán bộ y tế bảo vệ, chăm sóc trẻ em đặc biệt, mạng lưới cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn quận huyện, phường xã, khu phố, ấp… chưa được cập nhật củng cố những chính sách, quyền cơ bản của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bản thân gia đình, người chăm sóc có trẻ bị nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tâm lý sợ hãi vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Người đẹp Lê Thu Trang (top 10 Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam) kể lại câu chuyện một đứa trẻ mà cô đã từng tiếp xúc có thái độ bất cần, tự ti, thậm chí thù nghịch cùng câu nói: “Con bị SIDA”. Cô đã bị ám ảnh rất nhiều và hiện đang ấp ủ dự định đưa quyền trẻ em, trong đó có trẻ nhiễm HIV vào dự án cộng đồng sắp triển khai của mình, để phần nào xóa đi mặc cảm của những đứa trẻ này.
Bác sĩ Thu Vân chia sẻ: “Đứa trẻ nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV không có quyền lựa chọn bởi khi sinh ra, trẻ đã bị nhiễm bị ảnh hưởng HIV từ người mẹ. Thế nhưng khi nhắc đến HIV là người ta nghĩ ngay đến mại dâm, đến nghiện hút, đến tình dục không an toàn, trong khi những đứa trẻ này hoàn toàn không nằm trong nhóm đối tượng đó, và chúng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, bị kỳ thị nặng nề. Thực tế đã có không ít trẻ khi chuyển qua giai đoạn vị thành niên, khám ở phòng khám người lớn đã bỏ uống thuốc, bỏ điều trị vì chán nản, vì tự ti, vì muốn phản kháng. Chính vì thế, chúng tôi cố gắng hết sức thực hiện dự án này để những đứa trẻ nhiễm HIV, bị ảnh hưởng bởi HIV hiểu được quyền của mình, để trẻ tự tin hơn không chỉ trong cuộc sống mà cả trong điều trị”.
Theo bác sĩ Thu Vân, hiện TPHCM có khoảng 35 chi hội (nhóm những người nhiễm, cơ sở y tế, tổ chức thiện nguyện…) thực hiện việc tiếp cận, hỗ trợ trẻ nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ hiện không có giấy tờ tùy thân. TPHCM hiện có khoảng 1.500 người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, nhưng khi các tổ chức trợ giúp việc kê khai thông tin thì chỉ có khoảng 300 người tham gia. Việc không có giấy tờ tùy thân gây khó khăn không nhỏ cho người nhiễm HIV, trong đó có trẻ em tiếp cận thông tin cũng như điều trị.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc làm căn cước công dân cho những đối tượng này. Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ các mái ấm, nhà tình thương để làm giấy khai sinh cho những trẻ còn thiếu, nhưng việc làm căn cước công dân thì khó khăn hơn rất nhiều bởi yêu cầu phải có hộ khẩu, trong khi có gia đình đến 2-3 thế hệ sống tại TPHCM không thể tìm lại được nguồn gốc để làm giấy tờ.
Dự án này sẽ tiếp cận và nâng cao nhận thức về Quyền trẻ em và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của trẻ dưới 18 tuổi nhiễm HIV đang điều trị ARV và người chăm sóc trẻ tại 27 phòng khám ngoại trú trên địa bàn TPHCM. Qua dự án, Hội Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM mong muốn tiếp cận nâng cao nhận thức cho 1.000 trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 500 người chăm sóc và 30 cán bộ phường xã (tại Q. 4, Q. 6, Q. Gò Vấp) về pháp lý và cách thức thực hiện quyền trẻ em phù hợp với các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự án sẽ trợ giúp vui chơi cho 100 trẻ nhỏ, giáo dục nghề cho 30 trẻ vị thành niên, hỗ trợ pháp lý cho 200 trẻ, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 200 trẻ. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho người làm công tác chăm sóc trẻ và gia đình, huy động kết nối và hỗ trợ gia đình trẻ tiếp cận các nguồn lực từ chính sách Nhà nước và các tổ chức quốc tế để các hoạt động mang tính bền vững. Dự án kéo dài từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020.