Làm sao bảo vệ con khỏi nguy cơ xâm hại khi ở trường?
Vậy làm sao để bảo vệ con khỏi nguy cơ xâm hại khi ở trường? Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng luật sư Nguyễn Thế Truyền (Văn phòng Luật sư Thiên Thanh).
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Văn phòng Luật sư Thiên Thanh) |
Luật sư suy nghĩ thế nào về việc ngày càng xảy ra các vụ việc bé gái bị xâm hại? Liệu đây có phải một loại bệnh?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Thời gian gần đây những vụ xâm hại trẻ em đã và đang gây nên sự bức xúc trong dư luận. Vấn đề này không phải mới mẻ vì trên thực tế sự, vụ liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em, đặc biệt là các bé gái con số không phải là nhỏ.
Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trẻ em vị thành niên bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều, hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Điều này thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, sự thiếu hiểu biết coi thường pháp luật của đối tượng thực hiện hành vi.
Trong y học có xuất hiện một bệnh là bệnh “ấu dâm”. Theo các bác sỹ thì giải thích thì ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên, người bệnh tìm được sự hưng phấn tình dục khi nhìn thấy trẻ em, được sờ mó hoặc tìm cách đụng chạm… Tuy nhiên khi tìm hiểu nguyên nhân của bênh này thì hầu hết các chuyên gia cho rằng tình trạng này có liên quan đến các nhân tố tâm lý xã hội chứ không phải các nhân tố sinh học.
Quay trở lại vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em gần đây, tôi cho rằng đây không phải là một loại bệnh mà đó là do sự suy thoái về đạo đức, ý thức coi thường pháp luật của các đối tượng. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành đây không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Do đó khi xác định hành vi vi phạm pháp luật có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Như luật sư cũng biết, nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại đều công khai tên tuổi, trường lớp và bố mẹ. Vậy làm sao để người lớn chúng ta giúp con vượt qua “cơn ác mộng” này?
Trẻ bị xâm hại tình dục thường mang mặc cảm tội lỗi khiến trẻ rơi vào tâm lý dằn vặt, xấu hổ và chán ghét bản thân. Lúc ấy, bố mẹ là những điểm tựa lớn nhất để trẻ vượt qua mặc cảm. Phụ huynh nên giúp trẻ giải phóng nỗi lo lắng.
Quá trình này sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và phụ huynh luôn phải sát cánh bên con. Bởi việc giải quyết tâm lý cho trẻ khi xảy ra sự việc là một trong những công việc cần giải quyết sớm nhất.
Nếu phát hiện con bị xâm hại tình dục, trước hết cha mẹ cần phải lấy lại bình tĩnh để xử lý sự việc. Tuyệt đối cha mẹ không nên chửi bới, tìm cách trả thù với đối tượng gây ra sự việc, đồng thời liên hệ với cơ quan công an để tố cáo. Cha mẹ cần phải hiểu rằng việc im lặng đồng nghĩa với tiếp tay cho tội ác, cần phải đối mặt với thực tế để tránh cho trẻ khỏi những mối nguy hại khác.
Khi phát hiện con bị xâm hại tình dục, tốt nhất cha mẹ nên đưa đến trung tâm y tế khám để có hướng điều trị phù hợp. Phụ huynh không nên vì sợ mất danh dự mà im lặng rồi khiến con trẻ chịu nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu trẻ có các dấu hiệu tâm lý bất ổn thì cha mẹ cần đưa con đến các trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý dành cho trẻ em. Nên kiểm tra sơ bộ các tổn thương thân thể của con nếu có, sau đó dù không thấy vẫn cần thiết mang con đến cơ sở y tế để khám sức khỏe toàn diện và tiếp nhận các điều trị nếu cần.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con, đưa con đi chơi những trò chơi con thích, đọc sách, kể chuyện vui để giúp con mau chóng quên đi ám ảnh và sợ hãi của vụ xâm hại, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc đã qua.
Cha mẹ dặn dò con kỹ lưỡng về các nguyên tăc để phòng tránh việc bị người khác xâm hại, tránh trẻ bị rơi vào nỗi đau này thêm một lần nữa.
Trường lớp tưởng chừng là nói an toàn nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vậy làm sao để có thể giúp con thoát khỏi những hiểm họa như bị xâm hại thưa anh?
Biện pháp phòng tránh tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đầu tiên vẫn là tuyên truyền kiến thức, kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình. Trong gia đình, cha mẹ phải dạy con không để người khác đụng chạm, sờ, nắm, hôn... vào cơ thể mình, đặc biệt là những vùng nhạy cảm, vùng kín; dạy con không được tùy tiện ngồi vào lòng người khác giới, cho dù đó là những người thân quen với mình; không đi cùng người lạ đến những nơi vắng vẻ; phải chống cự, la lên, chạy đến nơi đông người để được mọi người giúp nếu người đó có ý định xấu.
Cha mẹ phải giáo dục trẻ về tình dục an toàn, không để trẻ tự mò mẫm, xem phim người lớn. Đồng thời, nên trang bị cho con những kỹ năng cần thiết như học võ... để tự vệ trong những trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật cũng hết sức cần thiết. Cần phải đẩy mạnh hoạt động này để mọi người trong xã hội nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, từ đó chung tay góp phần đẩy lùi tình trạng xâm hại trẻ em.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trò chuyện!