Làm gì để bớt định kiến về người khuyết tật?
Người khuyết tật (NKT) luôn là một trong những đối tượng chính của nghề công tác xã hội (CTXH) và nằm trong sự quan tâm của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nhưng NKT đa phần sống ở vùng nông thôn và rơi vào nhóm dân số nghèo nhất. Họ vẫn phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ cộng đồng, nên gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội.
Đội CTXH trường ĐH Kinh tế TP.HCM giao lưu với các em thiếu nhi huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp |
Theo kết quả điều tra của Việt Nghiên cứu Dư luận xã hội và Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, những khó khăn mà NKT đang phải đối mặt đó là: Họ có sức khỏe kém vì 42% NKT được điều tra đánh giá thấp sức khỏe của bản thân (tỉ lệ này ở người không khuyết tật chỉ là 8,5%). Thế nhưng có tới 40% NKT hiện không có bảo hiểm y tế với lý do là họ không đủ tiền để mua bảo hiểm. NKT và gia đình phải chịu các chi phí y tế cao hơn nhiều so với người không khuyết tật (gấp 2 lần chi phí tự chữa bệnh tại nhà, 1,7 lần các chi phí khám chữa bệnh nội trú và 1,25 lần cho khám bệnh ngoại trú). NKT cũng chịu nhiều thiệt thòi về giáo dục. Có tới 10% NKT chưa bao giờ tới trường, 80% NKT nặng không đi học/tỉ lệ hoàn thành bậc học ở tất cả các cấp của NKT thấp hơn khoảng 20% so với người không khuyết tật… Có khoảng 20% NKT trong độ tuổi lao động (16 - 60 tuổi) không đi làm (tỉ lệ này ở nhóm NKT nặng lên đến 95%)…
Bên cạnh đó, sự kỳ thị liên quan đến khuyết tật là rất phổ biến và có những tác động tiêu cực nghiêm trọng tới cuộc sống của họ. Cũng theo kết quả điều tra trên, tỉ lệ NKT bị kỳ thị là cao nhất trong giao tiếp (chiếm 95,5%) và NKT trong nhóm trẻ bị kỳ thị nhiều hơn NKT cao tuổi; NKT có trình độ học vấn càng cao càng bị kỳ thị, NKT là nữ chịu kỳ thị nhiều hơn NKT nam giới.
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước cùng toàn xã hội luôn dành nhiều ưu tiên đặc biệt cho cộng đồng những NKT. Kết quả thống kê cho thấy, đến hết năm 2014, đã có 800.000 NKT được trợ cấp cấp xã hội hàng tháng, nuôi dưỡng tập trung cho trên 10.000 NKT trong các cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn quốc. Các địa phương đã thành lập nhiều mô hình dạy nghề, đào tạo việc làm hiệu quả ở các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình dành cho NKT; 100% NKT nặng và đặc biệt nặng được miễn giảm giá vé, phí tham gia giao thông công cộng, các hoạt động văn hóa ở các cơ sở văn hóa, du lịch có thu phí. Hệ thống hạ tầng, công trình công cộng đã từng bước được nâng cấp nhằm đảm bảo điều kiện tiếp cận và sử dụng của NKT.
Tuy nhiên, công tác chăm lo cho NKT cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là vẫn tồn tại những định kiến nhất định cản trở sự hòa nhập và đóng góp cho xã hội của NKT. Một số phong trào, hoạt động trợ giúp NKT còn hình thức, thiếu bền vững. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ NKT từ trung ương đến địa phương chưa được thường xuyên, việc điều phối còn chưa kịp thời và kém hiệu quả. Chưa có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là NKT...
Trên thực tế, NKT là đối tượng của nghề CTXH và được bảo trợ xã hội, nên cần được quan tâm hơn nữa. Nhân viên CTXH phải làm gì để mọi người trong xã hội bớt đi sự phân biệt, đối xử và kì thị với NKT. Có thể thực hiện các can thiệp khác nhau như cung cấp các dịnh vụ miễn phí hoặc thúc đẩy việc làm và bình đẳng trong việc làm tiếp cận dịch vụ cho NKT. Để xã hội có thái độ đúng đắn với NKT, những người làm nghề CTXH cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lĩnh vực NKT, đặc biệt là việc làm của họ và nêu gương điển hình về việc tiếp nhận NKT vào làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Trong “Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Đề thực hiện mục tiêu này, những người làm nghề CTXH cần góp phần thúc đẩy các dịch vụ xã hội đối với nhóm yếu thế (trong đó có NKT) thông qua quá trình hoàn thiện chính sách, hỗ trợ, giúp đỡ NKT tạo cơ hội tìm việc làm cho NKT tham gia lao động, giúp họ ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.
Tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)