Lãi suất huy động "chui" vọt lên 21%
Lãi suất huy động "chui" vọt lên 21%
Mặc cả lãi suất huy động lại tái diễn từ đầu tháng 12/2011 trở lại đây |
TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu thực trạng tại hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức sáng 9/1 tại Hà Nội.
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH tại Hà Nội, đại diện một số NH cũng "tố" đối thủ cạnh tranh không lành mạnh khi tái diễn tình trạng lách trần lãi suất. Đại diện NH TMCP Seabank cho hay, hiện tượng mặc cả lãi suất đang xảy ra với mức lãi suất huy động phổ biến là 17-20%/năm. Thậm chí, nhiều NH còn cắt cử nhân viên tới tận nhà khách hàng để "chèo kéo".
Theo TS. Nghĩa, những nỗi lo của kinh tế vĩ mô trong năm 2011 như tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán quốc tế... sang năm 2012 không mấy lo ngại. Nhưng vẫn đề đáng ngại nhất hiện nay là lãi suất ngân hàng. Tình trạng mặc cả lãi suất từ đầu tháng 12 lại quay trở lại, vấn đề thanh khoản của các ngân hàng (NH) được xem là mối nguy hiểm nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2012.
"Mấy ngày gần đây lãi suất huy động trên thị trường lại "nhảy múa", một vài ngân hàng đã huy động mức lãi suất 19-20%, thậm chí có Chủ tịch HĐQT một ngân hàng còn rỉ tai tôi nói là 21%" – TS. Nghĩa nói. Đó mới nói sơ sơ thị trường 1, còn thị trường 2 thanh khoản còn căng thẳng hơn, cho vay nội bộ lẫn nhau trên thị trường 2 khối lượng rất lớn.
Theo ông Nghĩa thì ngoài các tài khoản cho vay, các nhà băng còn có thể lách luật tạo các khoản tiền gửi tại ngân hạng. "Không phải cho vay 1 tài khoản, mà các NH tạo ra 2 tài khoản để cho vay chéo. Cộng cả 2 tài khoản này thì số tiền các NH cho nhau vay đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Số tiền nợ không hề nhỏ", ông Nghĩa cho biết.
Đây không phải là câu chuyện mới mà là "biết rồi khổ lắm nói mãi". Có người lạc quan thì cho rằng sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề thanh khoản khó khăn của khối ngân hàng trong 1-2 tháng tới. Nhưng phần lớn các chuyên gia đều tỏ ra bi quan, câu chuyện khó khăn thanh khoản khó có thể giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2012, thậm chí còn kéo dài trong cả năm 2012.
"Nếu không giải quyết được vấn đề thanh khoản thì không thể giảm được lãi suất, không giải quyết được những tồn tại của thị trường bất động sản, chứng khoán. Nợ xấu vì thế cũng "nằm im" một chỗ" – TS. Nghĩa thẳng thắn.
Không lo ngại về vấn đề thanh khoản, nhưng theo Chủ tịch HĐQT NHTMCP Liên Việt Bưu điện (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng, NH này không dám cho vay ra khi chính sách điều hành không mấy rõ ràng. "Tăng trưởng của NH năm 2011 là 30,6% nhưng với các hợp đồng cho vay chúng tôi vẫn rất thận trọng. Có thể đang khỏe nhưng chết lúc nào không chừng" – ông Hưởng nói và đề xuất, trong lúc thị trường "bùng nhùng" tốt nhất "thà hy sinh chứ không chịu chết".
Đề xuất phương cách giải quyết, TS. Nghĩa cho rằng, trong ngắn hạn không còn cách nào khác là phải bơm tiền. Tăng dự trữ bất buôc với tỉ lệ chấp nhận đươc để đưa vốn từ các NH lớn sang các NH nhỏ. Đồng thời, cho phép một số NH có dự trữ vàng lớn (trên 100 tấn vàng) được xuất khẩu vàng tài khoản để biến số vàng này thành tiền, giải quyết vấn đề thanh khoản trước mắt.
Trường Giang