Lạ kỳ chuyện “lão điên” quét cầu vượt lúc nửa đêm
Lạ kỳ chuyện “lão điên” quét cầu vượt lúc nửa đêm
Ngồi trên cầu vượt Văn Thánh (Q.Bình Thạnh – TP. HCM) nheo mắt nhìn về phía cầu Sài Gòn, ông thong thả cho biết: Năm nay ông đã 67 tuổi, vốn gốc người Hải Dương, vì miếng cơm manh áo đã phiêu bạt khắp miền Nam, từ Đồng Nai xuống tới Cà Mau, đến năm 1988 thì vợ chồng ông cùng hai người con dắt díu nhau về Sài Gòn.
Cuộc sống tuy kham khổ nhưng hai ông bà vẫn chắt bóp, dành dụm mua được mảnh đất tại Q.2. Từ “cái chòi” ban đầu, đến nay ngôi nhà hai tầng đã được dựng lên, hai người con cũng đã lập gia đình với công việc bình thường, rồi ông bà dần có thêm những đứa cháu kháu khỉnh.
Lúc còn khỏe ông vẫn làm nghề đóng gạch mướn cho một cơ sở tư nhân dưới Đồng Nai, cách đây mấy năm, khi sức yếu dần ông chuyển qua nhặt ve chai, giấy vụn quanh khu vực cầu vượt Văn Thánh.
Hơn một năm trước, chứng kiến cảnh cây cầu đầy rẫy rác rưởi, kim tiêm, trong khi đó hàng ngày hàng giờ, học sinh, người dân vẫn vô tư qua lại, ông bèn đi mua cây chổi để quét. Từ đó, cứ mỗi tối lúc gần nửa đêm, khi trời mát, vắng người, ông lại mang lên quét sạch… nửa cây cầu, và dành nửa còn lại cho buổi sáng hôm sau “tập thể dục!”. Không chỉ dọn rác, ông còn “kiêm” luôn việc nhổ cỏ hay tỉa các cành cây khô tại những bồn hoa giấy trồng dọc hai bên.

Vẫn đưa đều những nhát chổi dù đã 12 giờ đêm
Rác rưởi quét xong được ông gom lại cẩn thận dưới chân cầu, đến sáng sẽ có công nhân vệ sinh đến dọn. Cứ thế hơn một năm nay ông vẫn cặm cụi quét dọn khi mọi nhà đang ngon giấc.
Có lẽ công việc này với ông giống như một niềm vui nên vừa quét ông vừa… đọc thơ, một bài thơ có dăm câu do chính ông sáng tác. Thi thoảng người qua lại thấy ông làm vậy cũng động lòng đưa ông “vài ngàn uống nước”. Chỉ vào một ly trà sữa trong số hàng chục chiếc ly nhựa xếp dọc thành cầu ông nói “Cốc nước này là người ta mua cho tôi đấy”.
Mặc cho một mình lao động lúc nửa đêm nhưng ông cho biết chưa bị ai “đụng chạm bao giờ” dù ngày nào trong đống rác của ông cũng có gần chục chiếc kim tiêm còn dính máu. “Tôi già rồi còn sợ gì nữa”, ông nói chân tình. Vậy nên cho dù nhiều người ngăn cản nhưng ông vẫn lầm lũi quét dọn.
Ở ông, duy chỉ có điều khó hiểu là khi quét xong cây cầu ông không trở về, mà lại đến “ngôi nhà” thứ hai của mình là khoảng vỉa hè dưới mái hiên gần đó ngủ qua đêm, để rồi sáng hôm sau ông tiếp tục quét nửa cây cầu còn lại trước khi bắt đầu “hành trình” đi lượm ve chai khắp khu vực xung quanh.

Niềm vui của ông là được giữ cây cầu luôn sạch sẽ
Khi được hỏi “Sao ông không về nhà?" Ông nói vì mấy năm trước ông cảm thấy “ở nhà ồn ào” nên “không chịu được!” nên quyết định ra ngoài cho dễ thở". Cứ hai, ba ngày ông mới trở về nhà một lần “không chúng nó lại lo!”.
Ông nói, các con ông ban đầu không ai đồng ý vì ông đã lớn tuổi, hơn nữa hàng xóm, láng giềng nhìn vào chê trách, nhưng rồi mọi người cất công tìm về được một vài ngày ông lại tìm cách “trốn” khỏi nhà với vẫn chỉ một lý do là…ở nhà ồn ào, có hỏi mấy ông cũng không chịu nói gì thêm.
Khi PV hỏi tiếp, “Ông đi thế này không sợ bà ở nhà lo sao?” “Bà ấy không cho tôi đi đâu, nhưng bà cũng đi làm thuê, chăm sóc người ốm, mỗi tháng cũng được hơn hai triệu đồng”.
Nhiều người biết chuyện ông bỏ ngôi nhà tương đối khang trang để đi lượm ve chai và ngủ trên vỉa hè đã gọi ông là “lão điên”, nhưng ông không chạnh lòng, vẫn cần mẫn với thú vui của mình để sáng ra vui vẻ nhìn bọn trẻ tới trường trên con đường sạch đẹp.
Nguyên Đức