Kỳ thi THPT quốc gia: Thí sinh vi phạm quy chế sẽ bị xử lý ra sao?
Theo dự thảo quy chế, mọi thí sinh vi phạm quy chế thi đều phải bị lập biên bản và xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
Thứ nhất, Khiển trách đối với những thí sinh phạm lỗi một lần: nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác (hình thức này do CBCT quyết định tại biên bản được lập). Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% số điểm thi của môn đó.
Thứ hai Cảnh cáo đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:
Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi.
Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp cho thí sinh khác.
Chép bài của người khác. Những bài thi đã có kết luận là giống nhau thì xử lý như nhau. Nếu người bị xử lý có đủ bằng chứng chứng minh mình bị quay cóp thì Chủ tịch Hội đồng thi có thể xem xét giảm từ mức kỷ luật cảnh cáo xuống mức khiển trách.
Người bị kỷ luật cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% số điểm thi của môn đó.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo do cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật và ghi rõ hình thức kỷ luật đã đề nghị trong biên bản.
Thứ ba, đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:
Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi.
Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi.
Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi.
Viết vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi.
Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
Cán bộ coi thi trong phòng thi lập biên bản, thu tang vật và báo cáo Trưởng điểm thi để quyết định hình thức đình chỉ thi đối với thí sinh tại phòng thi.
Thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi trong khi thi môn nào sẽ bị điểm không (0) môn đó; phải nộp bài làm, đề thi, giấy nháp cho CBCT và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định của Trưởng điểm thi và chỉ được ra khỏi khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài môn đó.
Việc xử lý kỷ luật thí sinh phải được công bố cho thí sinh biết. Nếu thí sinh không chịu ký tên vào biên bản thì hai CBCT ký vào biên bản. Nếu giữa CBCT và Trưởng điểm thi không nhất trí về cách xử lý thì ghi rõ ý kiến hai bên vào biên bản để báo cáo Trưởng Ban Coi thi quyết định.
Thứ tư, tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:
Có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích.
Sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp.
Nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức.
Có hành động phá hoại kỳ thi, hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác.
Sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Không thực hiện đúng quy định tại điểm b, c, d khoản 3 Điều 48 Quy chế này.
Đối với các trường hợp vi phạm khác, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định tại Điều này.
Các trường hợp đặc biệt phát hiện được khi chấm thi
Cùng đó, Ban Thư ký, Ban Chấm thi có trách nhiệm phát hiện và báo cáo Trưởng Ban Chấm thi những bài thi có biểu hiện vi phạm quy chế thi cần xử lý, ngay cả khi không có biên bản của Ban Coi thi. Sau khi Trưởng Ban Chấm thi đã xem xét và kết luận về các trường hợp vi phạm thì xử lý theo các hình thức:
1. Trừ điểm đối với bài thi :Những bài thi bị nghi vấn đánh dấu bài thì tổ chức chấm tập thể, nếu đủ căn cứ xác đáng để các CBChT và Trưởng môn chấm thi kết luận là lỗi cố ý của thí sinh thì bị trừ 50% điểm toàn bài.
2. Cho điểm (0) đối với những phần của bài thi hoặc toàn bộ bài thi:
Chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi.
Những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định.
Nộp hai bài cho một môn thi hoặc bài thi viết bằng các loại chữ, loại mực khác nhau.
3. Huỷ bỏ kết quả thi đối với những thí sinh:
Phạm các lỗi quy định tại khoản 2 Điều này, từ hai môn thi trở lên;
Viết vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi;
Nhờ người khác thi hộ hoặc làm bài hộ cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.
4. Đối với những bài thi nhàu nát hoặc nghi vấn đánh dấu bài (ví dụ: viết bằng các thứ mực khác nhau hoặc có nếp gấp khác thường) thì tổ chức chấm tập thể, nếu kết luận có bằng chứng tiêu cực thì trừ điểm theo quy định, nếu do thí sinh khác giằng xé làm nhầu nát thì căn cứ biên bản coi thi, tiến hành chấm bình thường và công nhận kết quả.