Kỳ thi THPT quốc gia: Tăng tiết ôn tập, môn Sử tiếp tục bị… “chê”
Phân loại, ôn tập ngay từ đầu năm
Là năm đầu tiên thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia, mặc dù vẫn còn khá nhiều điều chưa thật sự thông suốt nhưng hầu hết các trường đã triển khai công tác ôn tập cho học sinh ngay sau khi năm học mới bắt đầu.
Trường THPT tư thục Nhân Việt (quận Tân Phú) đã tổ chức khảo sát năng lực cho học sinh khối 12, cho các em đăng ký môn tự chọn, đồng thời lên kế hoạch tăng số tiết cho các môn bắt buộc và căn cứ vào tỷ lệ đăng ký môn tự chọn của học sinh để phân lớp và điều chỉnh số tiết.
Theo đó, môn toán tăng từ 5 tiết lên 12 tiết/tuần; môn văn và ngoại ngữ cũng tăng từ 4 tiết lên 10 tiết/tuần. Ngoài ra, trường vẫn mở các lớp theo khối thi cũ dành cho những học sinh có nhu cầu.
Đối với các học sinh yếu, trường mở lớp để phụ đạo thêm vào buổi tối và lên kế hoạch ôn tập, hướng dẫn cho học sinh tự học theo hướng đề mới do trường tự soạn ra. Các giáo viên cũng vì thế mà làm việc liên tục với nội dung và phương pháp giảng dạy theo hình thức thi mới.
Trường THPT Marie Curie (quận 3) cũng đã tiến hành kiểm tra phân loại học sinh khối 12 từ đầu năm. Những học sinh yếu được mở lớp phụ đạo để giáo viên kèm cặp, đồng thời mở lớp bồi dưỡng cho những học sinh có học lực giỏi. Ngoài việc học chính khóa nhà trường mở lớp học thêm vào buổi tối cho những học sinh có nhu cầu và hướng dẫn các em học theo hướng đổi mới của Bộ.
Trường THPT dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình) đã điều chỉnh tăng môn toán từ 4 tiết lên 7 tiết/tuần đối với học sinh trung bình, 10 tiết/tuần đối với học sinh yếu, 12 tiết/tuần cho học sinh có nguyện vọng vào ĐH. Các môn ngữ văn, tiếng Anh tăng gấp đôi số tiết so với quy định của Bộ.
Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) đã rà soát kết quả học tập của học sinh, cho học sinh đăng ký các môn thi tự chọn. Đồng thời kết hợp với đánh giá của các giáo viên, nhà trường xếp lớp tăng tiết cho các em vào các buổi chiều và tối.
Dựa vào kết quả thi giữa kỳ cùng với bản đăng ký nguyện vọng của các học sinh, giáo viên xem xét xem các em đăng ký đã đúng chưa, nếu học sinh nào chọn môn học quá khả năng hoặc thiếu tự tin khi chọn môn thi, giáo viên phải có trách nhiệm tư vấn để các em chọn đúng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặt bằng chung của học sinh trong trường không cao nên để vào được ĐH, học sinh phải học thêm. Học sinh lớp 12 sẽ phải học thêm 14 tiết/tuần.
Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) dự kiến ôn thi giữ nguyên lớp với các môn bắt buộc, 5 môn còn lại sẽ căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký để chia lớp. Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) dự kiến thời lượng ôn thi môn toán 4 tiết/tuần, ngữ văn và tiếng Anh 3 tiết/tuần, các môn còn lại là 2 tiết/tuần.
Nhiều trường khác như THCS – THPT Hồng Hà (Gò Vấp), THPT Bình Phú (quận 6), THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình)… cũng đã tăng tiết đối với những môn thi chính và cho học sinh ôn thi theo xu hướng mới của kỳ thi năm nay.
Rất ít học sinh chọn môn Sử
Nhiều trường đã tiến hành khảo sát tự chọn cho kỳ thi chung ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ, tình hình chung cho thấy môn Lịch sử vẫn là môn có ít học sinh lựa chọn nhất.
Tại trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú), môn Vật lý dẫn đầu với 131 lựa chọn, sau đó đến Hóa học (54 em lựa chọn), Địa lý (21 em lựa chọn), Sinh học (12 em lựa chọn), và Lịch sử ít chỉ có 4 học sinh lựa chọn. So với năm trước, số học sinh chọn môn Hóa học giảm, còn môn Địa lý tăng gấp 3 lần.
Ban giám hiệu Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2) đã cho khoảng 450 học sinh lớp 12 thử đăng ký môn tự chọn. Theo đó, có khoảng 50 - 60% học sinh chọn môn tự chọn là Lý và Hóa. Các môn chiếm tỷ lệ thấp dần lần lượt là Địa, Sinh và Sử. Môn Sử có chưa đến 10% học sinh đăng ký.
Tại Trường THPT Bình Phú, 70% học sinh chọn môn Lý, Hóa, môn Sử vẫn chưa đến 10% học sinh đăng ký.
Khảo sát một số trường THPT khác cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Địa lý cao hơn năm trước và môn Lịch sử vẫn đứng cuối bảng. Các giáo viên cho biết, môn Sử có ít học sinh chọn cũng là điều bình thường vì số thí sinh thi khối C không nhiều.
Thêm vào đó, các bài học lịch sử lớp 12 hiện có quá nhiều ngày tháng, đề thi thường ra theo kiểu thuộc lòng nên học sinh sợ phải học thuộc.