Kỳ thi THPT quốc gia: Ôn thi môn Toán, Văn, Anh theo hướng nào?
Học sinh lớp 12 Trung tâm GDTX quận 6 ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia |
Môn toán: Lưu ý những kiến thức cơ bản
Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) lưu ý, ngoài 6 chủ đề chương trình 12 còn có 2 chủ đề lớp 10 và 11 tương đối dễ, đó là giải phương trình lượng giác (rất cơ bản), hoặc cho một góc lượng giác rồi tính giá trị lượng giác của các hàm còn lại, hoặc chứng minh đẳng thức lượng giác. Ngoài ra còn có phần tổ hợp và xác suất. Đừng bỏ qua 2 câu này vì mỗi câu 0,5 điểm rất quan trọng.
Các chủ đề khó gồm có đại số, hình học phẳng và bất đẳng thức… Cần nắm rõ 6 chủ đề ban đầu, tất cả đều liên quan đến lớp 12, điểm phần này dùng để xét công nhận tốt nghiệp. Thí sinh phải nắm được những kiến thức cơ bản, sau đó lọc ra chủ đề nào là thế mạnh của mình trong số 11 chủ đề này rồi ôn kỹ phần đó, xem tất cả các dạng toán có thể xảy ra. Trong quá trình làm bài, câu hỏi dễ nằm rải rác, lọc ra làm trước, sau đó đến câu khó hơn. Chủ đề nào gai góc thì các em nên để sang một bên vì nó dễ làm ảnh hưởng tới tinh thần.
Cũng theo thầy Toàn, với mục đích xét tốt nghiệp THPT, trong môn toán, thí sinh cần nắm vững 6 chủ đề dễ gồm: hàm số, phương trình, số phức, tích phân, hình học giải tích trong không gian và hình học không gian.
Môn văn: Tăng cường đọc hiểu
Thầy Đào Nguyên Bình, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) lưu ý, các em cần tăng cường đọc hiểu, chú trọng khả năng tiếp nhận xử lý văn bản, thực hành tiếng Việt, các biện pháp tu từ căn bản và luyện cảm nhận. Thí sinh nên hiểu rõ các tác giả chương trình ngữ văn 12 để hiểu văn bản: bối cảnh thời đại, khuynh hướng sáng tác…Phần nghị luận xã hội, thí sinh tập trung vào những nội dung về tư tưởng đạo lý kết hợp sự kiện xã hội, vì các câu hỏi thường khơi gợi trình bày ý kiến về các sự kiện của đất nước, dân tộc, những trào lưu xấu hoặc khuynh hướng tốt đẹp. Cần tăng khả năng đọc báo, xem tin tức, chọn lọc thông tin, kiến thức về thời sự, thực tế.
Phần nghị luận văn học, chủ yếu ở chương trình lớp 12, tuy nhiên cũng cần ôn 1 số tác phẩm lớp 11 như Tràng Giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Vội vàng (Xuân Diệu), Hai đứa trẻ (Thạch Lam)…
Để đạt điểm khá môn văn, theo thầy Bình, trước tiên phải nắm vững kiến thức cơ bản. Thứ hai là phải xác định trọng tâm đề bài. Khi ôn nên hệ thống dạng bài giúp em kiếm được điểm. Ngoài ra, các kiến thức về tác giả, tác phẩm, nội dung từng bài… các em cũng cần ôn kỹ.
Các em cần đọc kỹ đề, yêu cầu của câu hỏi. Khi đặt bút viết các em phải dự định viết theo từng ý cho phù hợp. Về nghị luận văn học, các em cũng nên có bố cục chặt chẽ, thậm chí có thể phát thảo dàn ý trước khi làm để tránh lạc đề. Cách trình bày bài văn cũng quan trọng, không nên gạch xóa nhiều trong bài gây mất thiện cảm với người chấm.
Cái mẹo dành cho các học sinh trung bình là chịu khó học bài. Đối với văn xuôi phải thuộc dẫn chứng, nội dung bài; thơ thì phải thuộc bài, nét nghệ thuật đặc sắc từng bài thơ…
Môn tiếng Anh: Nên viết câu đơn giản, đủ ý
Thầy Lê Thanh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) cho biết, đề minh họa môn tiếng Anh do Bộ GDĐT công bố năm nay khác với đề năm ngoái. Năm trước các em làm 50 câu trắc nghiệm. Còn năm nay có 64 câu trắc nghiệm, 5 câu tự luận và các em viết một bài luận khoảng 140 từ. Bài luận phải có mở bài, có lập luận, dẫn chứng minh họa và có kết luận. Về phần trắc nghiệm có ba câu trọng âm, dấu nhấn, chọn đáp án, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa…Nhìn chung đề năm nay sẽ khó hơn các năm trước nhưng sẽ không khó hơn đề thi đại học. Để làm bài tốt, các em phải ôn ngữ pháp cơ bản, các thì, các dạng câu, cấu trúc câu, so sánh hơn, so sánh nhất, so sánh bằng, phát âm… Giới hạn chủ yếu ở kiến thức lớp 12. Từ vựng xoay quanh nội dung các em học ở sách giáo khoa.
Đối với đoạn văn điền từ, các em phải bỏ thời gian đọc sơ về đoạn văn để biết nó nói về cái gì. Sau khi đọc hết, các em quay về câu đầu tiên, từ đó dựa vào từ loại để tìm đáp án phù hợp điền vào. Nếu không xét về từ thì xét về nghĩa.
Đoạn văn đọc hiểu cũng vậy, các em phải đọc hiểu trước để tìm chi tiết câu trả lời. Các em nên nhìn ngữ cảnh để đưa ra đáp án. Đoạn văn đọc hiểu thường có 10 câu trong đó bốn câu đọc hiểu, bốn câu vận dụng và hai câu nâng cao.
Về câu hỏi học sinh trung bình làm sao đạt 5 điểm? Các em xoáy vào kiến thức ngữ âm, dấu nhấn, phát âm, cách chia thì, ngữ pháp cơ bản, các câu về giao tiếp, cách sử dụng từ. Những câu nào không hiểu, các em cứ mạnh dạn bỏ qua. Các em nên làm câu nào dễ nhất rồi từ từ làm tiếp. Em nào kiến thức khá hơn thì ôn thêm đoạn văn dài, cách viết câu. Còn bạn giỏi thì ngoài những phần trên ra thì ôn thêm cách viết luận như bố cục, phát triển ý, ngôn từ.
Nếu vốn từ vựng khá ít, muốn bài luận có điểm cao thì các em cố gắng viết đơn giản chứ đừng viết câu phức tạp dễ dẫn tới sai về ngữ pháp. Một bài luận đơn giản cũng phải có mở bài, thân bài, kết luận.
Ngoài ra, các em phải đọc những tạp chí, sách báo của nước ngoài đề nâng cao vốn từ vựng. Khi làm đoạn văn luận, không nhất thiết các em hiểu hết nghĩa đoạn văn mà phải cố gắng đoán nghĩa. Một đoạn văn có thể hiểu khoảng 60% là tốt rồi. Đó là những lưu ý chung của đề Anh văn năm nay.