Kỳ thi THPT quốc gia: Lo nhất khâu chấm thi vì thời gian quá ngắn
Áp lực giảm
Ông Hồ Phú Bạc - Trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GDĐT TPHCM cho biết năm nay, TPHCM có khoảng 70.000 thí sinh là học sinh THPT, số lượng thí sinh vãng lai khoảng 30.000 và khoảng 62.000 thí sinh di chuyển từ 7 tỉnh lên TPHCM dự thi. Như vậy tại TPHCM sẽ có khoảng 162.000 thí sinh dự thi, nếu so với đợt thi đầu tiên kỳ thi ĐH năm 2014, kỳ thi năm nay áp lực sẽ giảm khoảng 1/3.Theo dự trù của Sở GDĐT TPHCM (chưa bao gồm thí sinh các tỉnh), dự kiến cụm thi ĐH Quốc gia TPHCM có 24 điểm thi với 11.014 thí sinh; Cụm thi ĐH Công nghiệp TPHCM có khoảng 40 điểm thi với 11.885 thí sinh; Cụm thi ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có khoảng 8.112 thí sinh với tối đa 28 điểm thi; Cụm thi ĐH Sư phạm TPHCM khoảng 14.179 thí sinh và khoảng 39 điểm thi; Cụm thi ĐH Sài Gòn có 9.264 thí sinh với tối đa 94 điểm thi; Cụm thi ĐH Tôn Đức Thắng có 3.678 thí sinh thi và khoảng 18 điểm thi; Cụm thi ĐH Y dược TPHCM có 4.961 thí sinh thi, 13 điểm thi; Cụm thi ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM có 6.037 thí sinh và 19 điểm thi.
Để hỗ trợ cho 8 cụm thi, TPHCM đã chủ động chuẩn bị trước các địa điểm thi và lực lượng giám thị, kể cả giám khảo sẵn sàng khi trường ĐH chủ trì cụm thi có nhu cầu. Dự kiến, thành phố huy động tổng cộng hơn 6.200 giám thị và trên 2.300 giám khảo.
Còn nhiều lo lắng
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, việc phân bố này có sự mất cân đối vì có cụm chỉ có 9000 thí sinh mà tới 94 điểm thi trong khi cụm thi ĐH Quốc gia TPHCM có hơn 11.000 thí sinh lại chỉ có 24 điểm thi. Do đó, Sở GDĐT TPHCM cần cung cấp số lượng trường THPT trên địa bàn, số lượng phòng, sức chứa phòng thi để các trường có thể cân đối.Theo GS.TS Lê Quan Nghiệm – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM, cần điều phối địa điểm thi cho hợp lý, phải tính toán đến sự di chuyển của thí sinh, bố trí địa bàn công tác của cụm thi…
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, việc bố trí điểm thi như thế nào sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế được bàn giao vào ngày 20.5 của các Sở GDĐT. Lúc đó các trường đảm nhận cụm thi sẽ lên phương án tổ chức điểm thi.
Ngoài ra, điều khiến nhiều trường ĐH lo lắng chính là đội ngũ chấm thi. Theo TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khó khăn lớn nhất năm nay không phải là ở khâu tổ chức thi mà ở khâu chấm thi. Nếu không có sự điều phối thì các trường sẽ rất khó khăn, vì thời gian chấm thi năm nay rất gấp, các trường khối kỹ thuật không đủ giáo viên chấm thi các môn xã hội như Văn, Sử, Địa.. Vì thế, Sở GDĐT TPHCM cần phối hợp giúp đỡ vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, năm nay do tổ chức thi đồng bộ, với số lượng thí sinh lớn và kéo dài trong 4 ngày nên ngoài việc tập trung huy động nguồn lực cán bộ, giáo viên, sinh viên năm cuối của trường làm nhiệm vụ coi thi, trường đề nghị Sở GDĐT TPHCM hỗ trợ thêm cán bộ coi thi là giáo viên các trường phổ thông.