Kỳ thi THPT quốc gia: Đề Văn phong phú và thời sự
Ghi nhận của PV Infonet vào khoảng 11h ngày 2/7, các thí sinh bắt đầu rời khỏi phòng thi. Nhận định chung là đề văn quá dài. Song nhiều vấn đề thời sự đã được đề cập đến trong đề văn năm nay như biển đảo, kỹ năng sống, thói vô cảm...
Các thí sinh vui vẻ rời phòng thi sau khi thi xong môn Văn. |
Mới rời khỏi phòng thi em Hoàng Thảo My (trường THPT chuyên KHTN, Hà Nội) cho biết: “Đề thi môn Văn không có gì là khó lắm. Em là học sinh không thi khối C, nên không cần ôn nhiều nhưng cũng làm được 6-7 điểm”.
Em Hoàng Thảo Mỹ |
Tuy nhiên, theo em My, đề thi môn Văn có 2 cuối hơi dài nhằm phân loại thí sinh. Câu nghị luận xã hội khá hay về kỹ năng sống.
Trong khi đó em Trương Mỹ Hoa (học sinh trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội) chia sẻ: “Em là thí sinh thi khối B, nhưng đề Văn năm nay rất bình thường, bám sát với chương trình học. Đề thi môn Văn em làm được khoảng 7 điểm”.
Em Trương Mỹ Hoa cho rằng: "Đề thi môn Văn bình thường...". |
Tại TP.HCM, thí sinh Thanh Trúc (THPT Phan Đăng Lưu) cho biết: “Em thấy đề Ngữ văn khó hơn đề thi thử nhưng không quá khó với học sinh. Các vấn đề xã hội được đề cập nhiều như cảm nhận về hình ảnh người lính, về sự vô cảm, kỹ năng sống… Em nghĩ với đề này, học sinh nào cũng có thể làm được bài, chỉ cần đọc kỹ đề. Em làm xong trước thời gian nên ra sớm 15 phút”.
Cùng nhận định này, Thảo Vy (Trảng Bom, Đồng Nai) dự thi tại điểm thi ĐH Khoa học tự nhiên (cụm thi ĐH Quốc gia TPHCM) nhận xét: “Đề thi có phân loại dễ - khó nhưng sự phân loại này cũng không quá rõ rệt. Không có câu nào quá khó và cũng không có câu nào quá dễ. Cá nhân em thấy đề hay và thú vị”.
Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với vẻ thoải mái và phấn khởi, các em cho rằng đề thi môn Ngữ văn “dễ thở” hơn hai môn Toán, tiếng Anh ngày hôm qua.
Giáo viên nhận định đề Văn: Đề rất dễ
Cô Phạm Hà Thanh, giáo viên Văn trường Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) nhận xét: Kiến thức chủ yếu ở lớp 12, khá vừa sức, không quá khó cũng không đánh đố các em. Tình yêu quê hương đất nước được đưa vào đề thi. Thậm chí ngay cả những vấn đề mang tính thời sự như: kỹ năng sống, bạo lực… cũng được đưa vào yêu cầu học sinh trình bày quan điểm.
Cô Thanh cho biết, mặc dù, đoạn trích trong phần đọc hiểu không nằm trong chương trình học nhưng đây chính là phần đòi hỏi kỹ năng phân tích văn bản (từ phương thức biểu đạt, thể thơ, nội dung, biện pháp tu từ học sinh được học rất kỹ) nên phần đọc hiểu không gây bất ngờ cho các em.
Với phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về kỹ năng sống. Theo cô Thanh đây là câu hỏi khá thú vị, bởi đó là vấn đề không chỉ học sinh mà cả xã hội đều đang quan tâm. Vì thế, học sinh ban A, D đều có thể viết được.
Với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì các em đã được học trong chương trình văn xuôi lớp 12 nên không có gì xa lạ. Tuy nhiên, đây cũng là câu mang tính phân loại cao, học sinh ban A sẽ gặp khó khăn trong câu này.
Cô Thanh dự đoán điểm thi môn văn năm nay sẽ không thấp ngay cả học sinh học ban A. Để có được điểm 5- 6 không quá khó, tuy nhiên điểm 9-10 chắc chắn không nhiều.
“Ban đầu tôi nghĩ đề ra sẽ khó hơn vì vừa thi tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển Đại học thế nhưng sau khi các con ra khỏi phòng thi thì không ngờ đề rất dễ”- cô Thanh nói.
Còn cô Hoàng Kim Oanh, giáo viên Văn trường Phổ thông Năng Khiếu - ĐH Quốc gia TP HCM thì cho rằng “Trước khi kì thi bắt đầu, giáo viên chúng tôi có đôi chút lo lắng vì đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi 2 chung nên không biết Bộ sẽ ra đề thi như thế nào để cùng một lúc thoả mãn hai tiêu chí khác nhau.
Tuy nhiên, sau khi đọc đề thi, xét về tổng thể thì đề không gây bất ngờ, không gây sốc với học trò và có thể nói là một đề thi khá ổn. Các thí sinh sẽ làm khá tốt, đặc biệt với học trò của trường Năng Khiếu - các em sẽ làm tốt vì đây là dạng đề mà đã được làm quen trước kỳ thi.
Đề có bố cục khá rõ ràng với 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và làm văn. Ở hai phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, đề vừa sức, học trò hoàn toàn chủ động để làm. Đặc biệt ở phần đọc hiểu, đề yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của mình về ý kiến: “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”, hay: “Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn và bệnh vô cảm” – đó là những vấn đề nóng bỏng, mang tính thời sự. Vì thế các em sẽ hứng thú và chủ động làm bài".
Theo cô Oanh đề thi năm nay hay, tính phân loại cao (nằm trong phần Nghị luận văn học). Với những học sinh trung bình chỉ có thể làm tốt ý 1 ở phần này, ý 2 giành cho học sinh khá giỏi thể hiện kiến thức và năng lực văn chương. Câu này yêu cầu học sinh nêu cảm nhận của mình về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Từ đó bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn.
Cô Oanh cho rằng, để làm tốt được phần này học sinh phải có kiến thức tốt về tác phẩm Nguyễn Minh Châu (biết các tác phẩm khác ngoài chương trình) cũng như nắm chắc kiến thức về tác giả mới có thể xử lý tốt yêu cầu của đề.