Kinh doanh núp bóng nhà hàng, khách sạn để rửa tiền
Ảnh minh họa |
Thủ đoạn kinh doanh nhà hàng, khách sạn để tẩy rửa tiền không còn xa lạ gì đối với những nước có nền kinh tế phát triển mạnh.
Vào năm 2013, tại Pháp, cơ quan điều tra của Pháp đã phát hiện “máy rửa tiền mới” tại một số nhà hàng Trung Quốc thông qua hệ thống thanh toán phí bữa ăn qua thẻ (Tickets Resto). Cụ thể là các nhà hàng nhỏ này đã liệt kê một danh sách gồm 2.000 khách hàng sử dụng Tickets Resto mỗi ngày để chi trả tuy nhiên lại không có bất kỳ bữa ăn nào được dọn ra. Cơ quan chức năng cũng cho biết, chỉ trong vài tháng, các nhà hàng Trung Quốc đã thu về với số tiền 10 triệu euro (13 triệu USD). Điều đáng nói là, những đồng tiền này trước khi chuyển đến các nhà hàng có nguồn gốc từ những tên buôn lậu, giết người, trộm cướp, biển thủ công quỹ… do chúng không thể đưa tiền mặt khối lượng lớn vào ngân hàng nên phải “nhờ’ các nhà hàng này "rửa" bằng cách gửi Tickets Resto đến Trung tâm thanh toán Tickets Resto để hợp thức hóa "tiền bẩn" thành "tiền sạch".
Mới đây, ngày 15/7, các lực lượng chống mafia Italy đã tịch thu một nhà hàng nổi tiếng ở trung tâm thủ đô Rome, nhà hàng có tên Barroccio nằm trong khu Pantheon ở trung tâm Rome này khá nổi tiếng và thường xuyên có rất đông du khách tới ăn. Lực lượng chức năng nước này cho biết, nhà hàng này đang đóng vai trò làm người trung gian rửa “tiền bẩn” cho mafia trong các hoạt động kinh doanh của mình.
Theo nhận định của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền quốc tế tìm đến, nhất là đối với thị trường bất động sản, đây là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh, dễ đi từ sự phát triển quá nóng sang đóng băng. Thực tế cho thấy, đã có một luồng tiền rất lớn đổ vào thị trường này. Nhưng việc kiểm tra nguồn gốc của lượng tiền này không được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, Việt Nam đang mở rộng hội nhập quốc tế, nhất là việc mở rộng hợp tác đầu tư với những chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào. Nếu ở các nước phát triển, các giao dịch mua, bán, thế chấp… đều sử dụng tài khoảng ngân hàng để thanh toán tiền, hạn chế sử dụng tiền mặt. Còn ở Việt Nam, giao dịch trên thị trường bất động sản vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Do đó, “tiền bẩn” có thể lọt vào thị trường thông qua nhiều hình thức đầu tư, trong số đó là hoạt động đầu tư vào nhà hàng, khách sạn.
Các chuyên gia cảnh báo, trong lĩnh vực bất động sản, có rất nhiều cách để che dấu nguồn gốc của tiền. Họ có thể mua bất động sản dưới tên của người thân, bạn bè… Họ cũng có thể mua đất đai, nhà ở, công trình, mở nhà hàng, khách sạn kinh doanh… để rửa tiền.
Đơn cử như vụ án Trịnh Nguyên Thủy và đồng bọn phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Từ khoản lợi nhuận khổng lồ do buôn bán ma túy, Trịnh Nguyên Thủy đã đầu tư vào lĩnh vực trang trại, du lịch sinh thái, kinh doanh nhà hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản tiền do phạm tội ma túy mà có. Hay như vụ án Tráng A Tàng buôn bán hàng nghìn bánh heroine, chúng đầu tư mua nhà KengNam, xây khách sạn ở Sơn La. Vụ án Trương Văm Cam (Năm Cam) sử dụng tiền phạm tội để mở nhà hàng, vũ trường....