Kiến nghị “cứu” hình ảnh nhận diện TP Đà Nẵng tại APEC 2017
Sáng 28/4, KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho hay, sau khi Infonet đăng bài “Thiết kế nhận diện TP Đà Nẵng tại APEC 2017 bị nhiều người chê”, ông thấy cần phải hành động để cứu hình ảnh nhận diện Đà Nẵng tại APEC 2017.
Thư kiến nghị của công dân Bùi Huy Trí gửi HĐND TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Do vậy, không phải với tư cách Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) mà với tư cách một công dân hiện trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), bằng trách nhiệm và niềm tự hào về TP mình đang sống, chiều 27/4, ông đã gửi thư kiến nghị đến HĐND TP Đà Nẵng và được KTS Tô Hùng, Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP Đà Nẵng) tiếp nhận với thái độ cởi mở và cầu thị.
Trong thư kiến nghị, ông Bùi Huy Trí cho hay, vừa qua Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đã tổ chức cuộc thi thiết kế hình ảnh nhận diện TP Đà Nẵng tại APEC 2017. Quá trình tổ chức cuộc thi như thế nào thì ông cũng như nhiều người khác không được biết. Tuy nhiên khi xem mẫu phác thảo được cho là đã báo cáo lãnh đạo TP thông qua, ông thấy rất bất ngờ và thất vọng.
Thiết kế nhận diện hình ảnh TP Đà Nẵng tại APEC 2017 do tác giả Trần Chí Thành thực hiện |
“Thứ nhất, hình dáng voọc trong mẫu phác thảo không giống với con voọc ngoài thực tế. Trong nghệ thuật cách điệu, yêu cầu đầu tiên là phải thể hiện được hình dáng của chủ thể bằng những nét đơn giản mang đặc trưng cao nhất. Mẫu phác thảo đã không đạt được điều đó.
Trong khi voọc ngoài thực tế có vóc dáng đầy đặn thì hình phác thảo có cảm giác gầy gò. Dáng đặc trưng của voọc là tư thế ngồi thẳng, điềm tĩnh thì mẫu phác thảo chọn tư thế lom khom, rất phản cảm. Voọc có cổ ngắn, mẫu vẽ có cảm giác như đầu lìa khỏi vai. Cách điệu hai chân không nhất quán nên thấy như chân sau bị cụt.
Thứ hai, không thể hiện được tính đặc trưng địa phương. Nếu không có chữ DA NANG, VIET NAM ở dưới thì không ai biết loài voọc này ở đâu. Thứ ba, thông điệp của biểu tượng không rõ ràng. Nhìn hình vẽ chú voọc được (hay bị) bao bởi những đường vòng cung, người ta có thể nói nó đang được bảo vệ, nhưng cũng có thể suy luận rằng nó bị giam cầm” – Thư kiến nghị của ông Bùi Huy Trí nêu rõ.
Các bức tranh gạo về Nữ hoàng linh trưởng... |
Kết thúc thư kiến nghị, vị KTS này nhấn mạnh: “Tóm lại, theo tôi đây là một mẫu phác thảo không đạt yêu cầu. Tôi cho rằng nếu sử dụng phác thảo này làm biểu tượng chính thức sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đà Nẵng trong mắt bạn bè. Với tư cách là một công dân Đà Nẵng, tôi kiến nghị HĐND TP Đà Nẵng quan tâm xem xét kỹ lưỡng vấn đề này”.
Trước đó, như Infonet đã nêu trong bài “Thiết kế nhận diện TP Đà Nẵng tại APEC 2017 bị nhiều người chê”, sau khi mẫu phác thảo thiết kế này được công bố, KTS Bùi Huy Trí đã đưa lên trang FB của mình bài thơ “Tâm sự voọc” theo khổ 4 câu với nhiều châm biếm:
“Em là voọc chà vá/Siêu linh trưởng chân nâu/Ngoại hình em rất khá/Chẳng xấu thế này đâu/ Tư thế em đĩnh đạc/Bụng nở rất chuẩn phom/Di chuyển khoan thai lắm/Không có kiểu lom khom/ Mặt em nhiều râu trắng/Quắc thước như cụ già/Vẽ sao ra méo xệch/Lại trông rất gian tà/ Môi trường em sinh sống/Đa dạng muôn loài cây/Vẽ như đuôi gà trống/Chẳng hiểu cái gì đây/ Logo hay biểu tượng/Phải cảm được cái hồn/Vẽ thế này không ổn/Thú thực em rất buồn”.
Voọc chà vá chân nâu... |
Trước đó, chiều 26/4, PV Infonet đã liên hệ với cán bộ của Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng được phân công theo dõi toàn bộ quá trình hình thành nên bộ nhận diện hình ảnh TP Đà Nẵng tại APEC 2017, đề nghị cung cấp các thông tin liên quan như văn bản giao nhiệm vụ của UBND TP Đà Nẵng; kế hoạch của Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng triển khai thực hiện nhiệm vụ này; mục đích, yêu cầu, nội dung và các tiêu chí đặt ra cho việc chấm chọn hình ảnh nhận diện TP Đà Nẵng tại APEC 2017.
PV Infonet cũng đề nghị cung cấp tên tuổi và tác phẩm dự thi của 4 tác giả được mời; thuyết minh của tác phẩm được trao giải cũng như các nhận xét của Hội đồng giám khảo đối với các tác phẩm dự thi nói chung và đặc biệt là với tác phẩm được chọn; báo cáo kết quả tổ chức cuộc thi của Sở Văn hóa – Thể thao và quyết định của UBND TP Đà Nẵng chọn tác phẩm của tác giả Trần Chí Thành làm hình ảnh nhận diện TP Đà Nẵng tại APEC 2017 cùng những nội hàm, những thông điệp mà Đà Nẵng muốn đưa ra thông qua việc lựa chọn này.
Cán bộ được phân công của Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đề nghị PV Infonet cung cấp địa chỉ email, cho biết sẽ xin ý kiến của lãnh đạo Sở và hẹn sẽ hồi âm trong ngày 27/4. Tuy nhiên cho đến sáng 28/4, PV Infonet vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng về vấn đề này.
ở bán đảo Sơn Trà... |
Trong khi đó, chiều 27/4, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, bà Trần Thị Mộng Thương, Giám đốc Công ty CP thương mại, dịch vụ, sản xuất Tiến Thắng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) vừa gửi cho bà ảnh chụp một số bức tranh gạo về Nữ hoàng linh trưởng Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà do Công ty Tiến Thắng thực hiện.
Theo bà Trần Thị Mộng Thương, những bức tranh Voọc chà vá chân nâu này được tạo tác bằng hạt gạo quê hương do làng nghề tranh gạo mà dự án cộng đồng (hỗ trợ những người phụ nữ khó khăn) của Công ty Tiến Thắng thực hiện, trong đó giai đoạn 2 của dự án (bắt đầu triển khai từ năm 2017) là chế biến theo công thức độc quyền dòng sản phẩm chủ lực: đặc sản văn hóa Sơn Trà (Đà Nẵng) – Thoại Sơn (An Giang).
Trước đó, hồi năm 2016, sau chuyến đi Sơn Trà (quê hương của danh thần Thoại Ngọc Hầu) – Thoại Sơn (nơi chôn cất danh thần Thoại Ngọc Hầu), bà Trần Thị Mộng Thương cho biết đã ôm ấp nhiều ý tưởng để tương tác vào trong các hoạt động của dự án nhằm tỏ lòng tôn kính đối với danh thần Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829). Đến tháng 1/2016, bà Trần Thị Mộng Thương đã gửi cho bà Trần Thị Thanh Tâm bức tranh gạo chân dung danh thần Thoại Ngọc Hầu do Công ty Tiến Thắng thực hiện.
và tranh gạo chân dung danh thần Thoại Ngọc Hầu do Công ty Tiến Thắng thực hiện |