Kịch bản của một cuộc chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang chưa từng có với những động thái hết sức cứng rắn của cả hai bên, nhà báo Andrew Salmon đang làm việc tại Hàn Quốc đã vẽ ra kịch bản tồi tệ nhất – một cuộc chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên.

Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên thì đó là cơn ác mộng của châu Á. Do Triều Tiên nằm ở trung tâm khu vực Đông Bắc Á, khu vực kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau Tây Âu và Bắc Mỹ, các chuyên gia cho rằng các thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị thiệt hại nặng nề, nhưng những hậu quả khủng khiếp về con người – và có khả năng cả bụi phóng xạ từ vũ khí hạt nhân – sẽ tồi tệ hơn rất, rất nhiều.

Kịch bản của một cuộc chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát cuộc tập trận đổ bộ và chống đổ bộ của quân đội Triều Tiên ngày 25/3.

Nhưng thật may là không có nhà phân tích nào tin “Chiến tranh Triều Tiên II” sắp xảy ra; lệnh ngừng bắn sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 tiếp tục có hiệu lực mặc dù Triều Tiên vừa đơn phương tuyên bố hủy bỏ. Ngoài ra, chính quyền Mỹ vẫn duy trì chính sách tập trung vào vấn đề Triều Tiên nên ít có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một cuộc chiến tổng lực. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang đặt câu hỏi về kinh nghiệm và phong cách lãnh đạo của Kim Jong Un sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa tầm xa vào tháng 12 năm ngoái và thử hạt nhân vào giữa tháng 2 vừa qua, tuyên bố hủy bỏ lệnh ngừng bắn và thường xuyên có luận điệu hiếu chiến – một phong cách cực đoan ngay cả theo những tiêu chuẩn của chính Bình Nhưỡng.

Mặc dù tuyên bố hủy bỏ lệnh ngừng bắn nhưng từ lâu nay Bình Nhưỡng vẫn luôn “đòi” tiến tới một hiệp ước hòa bình đầy đủ và cũng muốn đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ. Tuy vậy, Hoa Kỳ bác bỏ yêu cầu này của Triều Tiên và muốn tiến hành đàm phán đa phương.

Kế hoạch hành động khẩn cấp chung Mỹ - Hàn

Nhưng vào lúc này, các hành động của Triều Tiên đang làm dấy lên lo ngại và tình hình nghiêm trọng đến mức vừa qua Hàn Quốc và Mỹ ra tuyên bố hai bên đã nhất trí xây dựng các kế hoạch hành động khẩn cấp trong trường hợp Triều Tiên thực sự hành động giống như những gì mà nước này đe dọa. Tuyên bố này của Mỹ - Hàn cũng được đưa ra sau khi hai nước tiến hành tập trận chung và điều máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay thử trên bầu trời Hàn Quốc.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little cho biết các chuyến bay thử B-52 là nhằm mục đích đảm bảo rằng các lực lượng Mỹ - Hàn “được huấn luyện và có khả năng sử dụng năng lực không quân đối phó với các hành động xâm lược”.

Rõ ràng là các chiến lược gia quân sự đang chuẩn bị cho mọi tình huống. Ngoài ra cũng có vẻ như công dân Hàn Quốc đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột. Năm ngoái, theo khảo sát của Viện Asan ở Seoul, người Hàn Quốc thuộc mọi lứa tuổi tin rằng có khả năng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên sẽ xảy ra.

“Ít có khả năng xảy ra chiến tranh xâm lược”

Hiện tại, ít khả năng xảy ra một cuộc chiến giống kiểu Chiến tranh Triều Tiên 1950 nhưng những tiền đề làm bùng nổ “thùng thuốc súng” Triều Tiên thì vẫn đang tồn tại.

“Tôi nghĩ không bên nào muốn xảy ra cuộc chiến tranh tổng lực nhưng các kịch bản cho thấy một cuộc chiến tổng lực có thể xảy ra nếu tính toán sai lầm hoặc tình hình leo thang tới mức không thể đảo ngược được. Vấn đề là trong bối cảnh hiện nay, các nấc thang đang ngày càng thu hẹp dần”, Dan Pinkston, giám đốc văn phòng nhóm tư vấn ICG ở Seoul, nhận xét.

Sau vụ Triều Tiên bắn pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc khiến 4 người thiệt mạng, Seoul nới lỏng các qui định về phản ứng trước các hành động khiêu khích, cho phép quân đội nước này có thể phản ứng nhanh hơn trước các cuộc tấn công của Triều Tiên cả về mặt hải quân và pháo binh.

Hồi tháng 2, tướng quân đội cấp cao nhất của Hàn Quốc đã trình bày trước Quốc hội nước này các kế hoạch tấn công phủ đầu nếu thông tin tình báo cho thấy Triều Tiên chuẩn bị các cuộc tấn công hạt nhân.

“Một khi chúng tôi phát hiện ra Triều Tiên đang chuẩn bị pháo và tên lửa tầm xa, chúng tôi sẽ không có sự lựa chọn nào khác là phải tấn công”, giáo sư Kim Byung-ki của trường Đại học Triều Tiên ở Seoul nói. Chỉ mất 3 phút là máy bay Triều Tiên có thể tiếp cận Seoul và chỉ cần 1 phút là pháo Triều Tiên có thể bắn tới thành phố này.

Sự can thiệp của Hoa Kỳ

Các nhà phân tích cho rằng một cuộc tấn công qui mô nhỏ của Triều Tiên có thể  khiến Hàn Quốc phải đáp trả và sau đó xung đột rơi vào vòng xoáy thành một “cuộc chiến lớn”. Do Seoul và Washington bị ràng buộc bởi hiệp ước quân sự, nước Mỹ sẽ phải tham gia vào cuộc xung đột này.

“Về mặt chính trị, Hoa Kỳ sẽ phải ủng hộ Hàn Quốc. Nếu không, chính sách quốc phòng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ vỡ vụn”, James Hardy, biên tập tạp chí quốc phòng HIS Jane’s khu vực châu Á, nhận định.

Triều Tiên hiện có một lực lượng quân đội gồm 1,1 triệu người, lớn gần gấp đôi quân đội Hàn Quốc (640.000 người) và lực lượng Hoa Kỳ (28.000 binh sĩ) đóng tại Hàn Quốc cộng lại. Tuy vậy, quân đội Triều Tiên (KPA) được cho là một lực lượng quân đội yếu ớt: quân đội Triều Tiên thiếu thốn nhiên liệu, trang thiết bị thì lạc hậu và một số thành phần binh sĩ thiếu ăn trầm trọng; tuy nhiên, KPA có 2 mũi nhọn nguy hiểm là lực lượng đặc nhiệm và lực lượng pháo binh.

Trong báo cáo hồi tháng 3 năm ngoái, Tư lệnh các lực lượng Mỹ và Liên Hợp Quốc ở Hàn Quốc, Tướng James Thurman, cảnh cáo rằng Triều Tiên đang tiếp tục cải thiện năng lực của lực lượng đặc nhiệm – quân đội nước này đã huấn luyện một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ có khả năng tiến hành những hoạt động đặc biệt và có độ rủi ro cao.

Theo Tướng Thurman, Bình Nhưỡng có một lực lượng đặc nhiệm gồm 60.000 binh sĩ và một lực lượng pháo binh gồm 13.000 binh sĩ, phần lớn lực lượng này được phân bổ dày đặc dọc theo Khu phi quân sự và nhắm tới Seoul, thủ đô Hàn Quốc, cách biên giới hai nước 48km về phía nam.

Thêm vào đó, với số quân lớn và hỏa lực mạnh, Quân đội Triều Tiên (KPA) có thể tập trung vào các đơn vị tấn công với quân số đủ mạnh để chọc thủng Khu phi quân sự, vượt qua hàng rào phòng thủ hai tầng của Hàn Quốc và tràn về khu vực thủ đô Seoul, nơi có khoảng 24 triệu dân.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự yếu kém về vận tải và khả năng duy trì năng lực chiến đấu trên chiến trường ở mức thấp của KPA sẽ khiến một cuộc tấn công của lực lượng này kéo dài chỉ từ 3 ngày tới 1 tuần và sau đó có thể Bình Nhưỡng sẽ thương lượng dựa trên sức mạnh trên chiến trường mà KPA giành được.

Lực lượng đặc công Triều Tiên

Kịch bản của một cuộc chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 2
Các binh sĩ Triều Tiên luyện tập.

Trong khi đó, liệu các lực lượng Hàn Quốc có thể đủ sức duy trì cho tới khi các binh sĩ Mỹ tới tăng viện? Liệu các lực lượng Mỹ có thể hoạt động hiệu quả tại các căn cứ ở Hàn Quốc – và thậm chí ở cả Okinawa, Nhật Bản và đảo Guam – nếu bị lực lượng đặc công và tên lửa Triều Tiên tấn công? Đó là những vấn đề không thể lường trước được.   

Theo giáo sư Kim từ Đại học Triều Tiên, lực lượng đặc công có thể là mũi nhọn của KPA, xâm nhập bằng không quân, hải quân và có thể cả dưới vỏ bọc dân thường để tấn công cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc cũng như các căn cứ của Mỹ, làm suy yếu năng lực chỉ huy và liên lạc của Seoul và đẩy lui quân chi viện Hoa Kỳ. Tình hình có thể trở nên rối loạn hơn nếu Triều Tiên sử dụng các biện pháp làm nhiễu sóng điện tử và tấn công mạng.

Trong khi đó, giáo sư Kim ước tính Quân đội Triều Tiên có thể bắn hàng ngàn quả pháo trong loạt bắn đầu tiên. Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra vẫn là năng lực chiến đấu của KPA. Trong các cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng, các binh đoàn Triều Tiên phô trương sức mạnh của mình nhưng liệu dưới các trận ném bom từ máy bay của không quân Mỹ, chính quyền của Kim Jong Un có tan vỡ như chính quyền của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein?

Điều đó có vẻ như sẽ không xảy ra. Khi các binh sĩ Triều Tiên xông pha tại các cuộc giao tranh – đáng chú ý là các cuộc giao tranh ở biển Hoàng Hải vào những năm 1999, 2002 và 2010 hay trong các cuộc đột kích vào năm 1968 và 1996 – họ đã chứng tỏ kĩ năng và tinh thần chiến đấu cao độ của mình.

Nhưng chỉ dựa vào các lực lượng đặc nhiệm hay pháo binh chưa đủ để giành chiến thắng trong chiến tranh: Hai lực lượng này không thể chiếm giữ được trận địa lâu. Điểm yếu lớn nhất của các đơn vị quân đội chính của Triều Tiên là sức bền kém khi bắt đầu tham chiến.

Mỹ - Hàn dùng máy bay ném bom

Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thể chiến đấu trên 3 mặt trận: máy bay Mỹ sẽ dội bom liên hồi 24/7 vào  bộ binh và các đơn vị bọc thép Triều Tiên, máy bay lên thẳng cũng có thể gây thiệt hại cho KPA và do Triều Tiên là bán đảo nên có thể tấn công vào “cạnh sườn” của Triều Tiên qua đường biển bằng tàu đổ bộ.

Tuy nhiên, nếu các đơn vị KPA băng qua biên giới và đổ bộ vào Seoul thì lực lượng này có thể  chặn đứt nhưng rất khó tiêu diệt hết. Nếu quân đội hai bên chiến đấu giáp lá cà ở trên đường phố và địa hình đồi ở Hàn Quốc thì sẽ gây ra thương vong lớn.

“Họ không giống như quân đội của Saddam (Hussein) và có khả năng họ sẽ chiến đấu giống như người Nhật đã từng chiến đấu ở Thái Bình Dương”, ông Pinkston nói, ám chỉ tới tinh thần chiến đấu tới cùng của quân đội Nhật trong thời kì chiến tranh thế giới lần II.

“Họ hoảng loạn khi nghĩ tới tình cảnh phải đầu hàng”, ông nói.

Việc chặn pháo của Triều Tiên bắn sang Seoul – trong khi phần lớn các loại pháo này được cất giữ trong những đường hầm được đào qua hàng thập kỷ - cũng sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Kim Jong Un hiểu rõ ràng loại bom phá hầm ngầm (bunker buster) mà Mỹ dùng trong chiến tranh Iraq ban đầu được thiết kế để ném xuống Triều Tiên.

Seoul và Washington sở hữu các loại đạn dược có độ chính xác cao. Các nhà phân tích cho rằng bom hoặc tên lửa của Mỹ - Hàn khi nổ ở cửa hầm có thể chôn vùi các đơn vị pháo và không quân Triều Tiên. Tuy nhiên, thủ đô của Hàn Quốc cũng sẽ bị Triều Tiên bắn phá tơi bời và có thể là bằng những loại vũ khí mới.  

Mối đe dọa vũ khí sinh học

Hồi tháng trước, Tướng Thurman có nói rằng: “Nếu sử dụng vũ khí sinh học, thì rất có khả năng Triều Tiên sẽ sử dụng những chất gây bệnh như bệnh than hay dịch hạch. Ở những khu vực đô thị mật độ dân cư cao của Hàn Quốc thì đây cũng là loại vũ khí dùng cho tâm lý chiến”.

Đổ bộ bằng đường biển hoặc máy bay lên thẳng vào hai bên “cạnh sườn” Triều Tiên cũng là những phương án để tiêu diệt Bình Nhưỡng, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là Seoul sẽ phải chịu tổn thất ra sao trước khi nhiệm vụ đó được triển khai. Tên lửa của KPA cũng là một mối đe dọa: Qua cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần I, liên quân đã phát hiện ra một điều là việc dò tìm và phá hủy các bệ phóng tên lửa là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu không lực Mỹ bắn phá không ngừng nghỉ các đơn vị, cơ quan liên lạc, trụ sở và mạng lưới vận tải của KPA thì Bình Nhưỡng sẽ không có cơ hội nào giành chiến thắng. Nếu Hàn Quốc và Hoa Kỳ tấn công Triều Tiên thì quốc gia “chịu trận” sẽ là Trung Quốc do Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có kí hiệp ước quốc phòng song phương.

Triều Tiên đóng vai trò bảo vệ khu vực đông bắc Trung Quốc. Vào năm 1950 khi Triều Tiên suýt bị lực lượng của Liên Hợp Quốc chiếm đóng hoàn toàn thì Bắc Kinh can thiệp và giúp Triều Tiên đứng vững. Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ Bình Nhưỡng tấn công Hàn Quốc nhưng sẽ giúp Bình Nhưỡng tự vệ - điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ giúp chính quyền Kim Jong Un trụ vững qua cuộc chiến, giống như trước đây nước này đã giúp nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành đã làm.

“Trung Quốc sẽ ủng hộ Triều Tiên, nhưng chỉ là trên lãnh thổ Triều Tiên mà thôi. Họ sẽ không ủng hộ quân đội Triều Tiên tấn công vào lãnh thổ Hàn Quốc”, Choi Ji-wook, nghiên cứu trưởng về vấn đề Triều Tiên của Viện quốc gia về thống nhất Triều Tiên ở Seoul, nhận xét.

Kịch bản của một cuộc chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 3
Một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật của Triều Tiên.

Lập trường của Trung Quốc

Washington muốn Trung Quốc thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Triều Tiên nhưng vẫn chưa rõ liệu chính sách ủng hộ Bình Nhưỡng kéo dài 6 thập kỷ qua của Bắc Kinh có thay đổi đáng kể không.

Mặc dù ủng hộ các lệnh cấm vận trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân, Trung Quốc vẫn chỉ trích kế hoạch của Mỹ điều động thêm tên lửa dọc bờ biển phía Tây ở khu vực Alaska.

“Củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ chỉ làm gia tăng sự đối đầu và điều đó không giúp giải quyết vấn đề”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Và bất chấp vai trò của Trung Quốc, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn có một phương án khủng khiếp: ấn nút bom hạt nhân.

Nếu Kim Jong Un quyết định dùng tới vũ khí hạt nhân thì chính quyền Triều Tiên sẽ đón nhận sự trừng phạt khủng khiếp chưa từng có đồng thời mọi thành viên sống sót của chính quyền Bình Nhưỡng sẽ trở thành tội phạm chiến tranh.

“Chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình huống mà một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đưa ra quyết định sử dụng. Tuy nhiên nếu số phận của chính quyền Triều Tiên trở nên giống số phận phát xít Đức thì hành động đó là có thể xảy ra”, ông Pinkston nhận xét.  

Tuy nhiên với sức hủy diệt của các loại vũ khí hiện đại và mật độ dân cư dày đặc ở cả hai miền Triều Tiên, các nhà phân tích đều cầu nguyện “Chiến tranh Triều Tiên II” sẽ không bao giờ xảy ra.

“Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, hậu quả của cuộc chiến tranh đó sẽ không hề giống với những gì mà chúng ta từng chứng kiến từ trước tới nay: hàng trăm nghìn người chết trong vài ngày và hàng triệu người chết trong vài tuần. Khi đó, cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và Syria sẽ trở nên vô cùng mờ nhạt”, ông Pinkston cảnh báo.

Lê Dung

'Kẻ hủy diệt' BMPT Terminator chịu được cùng lúc 2 tên lửa chống tăng

Khung thân xe tăng T-90 khiến xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Terminator có độ bền bỉ vượt trội.

'Kẻ hủy diệt' BMPT Terminator, lá chắn thép mới của lực lượng tăng thiết giáp Nga

Nga đã phát triển dòng xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Terminator – một phương tiện kết hợp giữa hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao và công nghệ bảo vệ hiện đại, nhằm tối ưu hóa hiệu quả tác chiến trong môi trường đô thị và địa hình phức tạp.

Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine

Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.

Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.

Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine

Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.

Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.

Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng

Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.

Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine

Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.

FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm

Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.

Nữ hành khách người Việt khỏa thân ở sân bay Philippines vì bị phạt quá hạn visa

Một nữ hành khách người Việt đã bất ngờ khỏa thân tại sân bay Ninoy Aquino (Philippines) sau khi được yêu cầu trả thêm phí quá hạn visa.

Đang cập nhật dữ liệu !