Khung năng lực ngoại ngữ bậc 6 phải đạt chuẩn như thế nào?
Bậc 6 trong Khung năng lực ngoại ngữ do Bộ GD&ĐT ban hành tương đương với bậc C2 Khung tham chiếu chung Châu Âu |
Bậc 6 là bậc cao nhất của Khung năng lực ngoại ngữ, tương đương với bậc C2 Khung tham chiếu chung Châu Âu. Mô tả tổng quát của bậc 6 này là: Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp.
Mô tả cụ thể Kỹ năng nghe là: Có thể theo dõi và hiểu được các bài giảng hay những bài thuyết trình chuyên ngành có sử dụng nhiều lối nói thông tục, chứa đựng các yếu tố văn hóa hoặc các thuật ngữ không quen thuộc. Có thể hiểu được những vấn đề tinh tế, phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi như pháp luật, tài chính, thậm chí có thể đạt tới trình độ hiểu biết của chuyên gia. Có thể nghe hiểu được mọi điều một cách dễ dàng theo tốc độ nói của người bản ngữ.
Về Kỹ năng nói, bậc này yêu cầu: Có thể truyền đạt chính xác các sắc thái ý nghĩa tinh tế bằng cách sử dụng nhiều loại hình bổ nghĩa với độ chính xác cao. Sử dụng thành thạo các cách diễn đạt kiểu thành ngữ hoặc thông tục với nhận thức rõ về các tầng nghĩa. Có thể đổi cách diễn đạt để tránh gặp khó khăn khi giao tiếp và thể hiện một cách trôi chảy đến mức người đối thoại khó nhận ra điều đó.
Kỹ năng đọc yêu cầu: Có thể hiểu, lựa chọn và sử dụng có phê phán hầu hết các thể loại văn bản, bao gồm các văn bản trừu tượng, phức tạp về mặt cấu trúc, hay các tác phẩm văn học và phi văn học. Có thể hiểu được nhiều loại văn bản dài và phức tạp, cảm thụ được những nét khác biệt nhỏ giữa các văn phong, giữa nghĩa đen và nghĩa bóng.
Và Kỹ năng viết: Có thể viết bài rõ ràng, trôi chảy, bố cục chặt chẽ, chi tiết với văn phong phù hợp và cấu trúc logic, giúp cho độc giả có thể thấy được những điểm quan trọng trong bài viết.
Để có thể hiểu rõ hơn về năng lực của bậc 6 trong khung năng lực ngoại ngữ này, bạn đọc có thể so sánh thêm một yêu cầu cơ bản của Bộ GD&ĐT về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông.
Theo đó, giáo viên tiếng Anh phải đạt bậc 4/6 (đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở), bậc 5/6 (đối với giáo viên trung học phổ thông) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo Ngôn ngữ Anh hệ cử nhân (4 năm) của ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội về Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ yêu cầu: “Giao tiếp được bằng ngoại ngữ (tiếng Anh) với trình độ tiếng Anh tương đương C1 trở lên”.
Về Kiến thức theo nhóm ngành quy định: Sử dụng tốt tiếng Anh ở trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu; có thể vận dụng các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng trong hoạt động biên phiên dịch và nghiên cứu.
Ngành Ngôn ngữ Anh chương trình Chất lượng cao của trường này cũng không dám đặt chuẩn đầu ra ở mức C2 mà chỉ yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Anh ở mức C1+.