Không trường nào thi riêng: Bộ phải tự hỏi mình!
Vì sao các trường cứ “đòi tuyển riêng”, nhưng khi Bộ cho phép lại không dám làm?
Bị đối đầu với kỳ thi “3 chung”
Tuyển riêng, theo cách hiểu của các trường, là tuyển theo cách của từng trường, cũng có thể là của từng khoa ngành, thậm chí từng chuyên ngành. Vấn đề này từng được các trường, gồm cả những trường ĐH công lập đề cập từ nhiều năm trước. Thế nhưng, khi Bộ “mở cửa” thì chưa trường nào dám làm.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - lý giải: “Không phải trường không muốn, nhưng làm ngay trong năm 2014 thì không thể. Phải bàn bạc với các đơn vị xem họ dự định làm như thế nào, có phương án tuyển với từng đối tượng khác nhau, xử lý mọi vấn đề kỹ thuật phát sinh và công bố cho xã hội biết trước, không thể làm vội. Do vậy, cũng phải một vài năm nữa ĐH Sư phạm TP.HCM mới thực hiện được”.
TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cũng từng nói: “Nếu được tự chủ, ĐH Hoa Sen sẽ nhận ngay, nhưng phải có ít nhất một năm cho khâu chuẩn bị”.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng: “Những quy định của Bộ về phạm vi xét tuyển khiến các trường có cảm giác giảm khả năng thành công của một kỳ thi riêng nên ngại mạo hiểm, nhất là khi việc tuyển sinh khó khăn đã kéo dài nhiều năm qua”.
Nhận xét của PGS Nghĩa là rất xác đáng, được chứng minh bằng thực tế của các kỳ tuyển sinh ĐH trong nhiều năm qua: năm 2010 có 75% số trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Những năm sau đó, dù Bộ đã điều chỉnh về đề thi và điểm sàn, nhưng tình hình không mấy khả quan.
Mới nhất, kỳ thi tuyển năm 2013, các trường ĐH ngoài công lập (NCL) cũng chỉ tuyển được chưa tới 73% chỉ tiêu, bi đát hơn cả năm 2012. Không chỉ các trường NCL mà nhiều trường ĐH công cũng không tuyển đủ chỉ tiêu dù đã hạ điểm chuẩn bằng điểm sàn.
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT - cho rằng, việc thực hiện tự chủ trong tuyển sinh đối với các trường có khó khăn, bởi lâu nay họ không phải làm việc đó. Mọi khâu từ ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển và giải quyết các khiếu nại liên quan..., Bộ đã thay họ làm hết. Nhưng, khó không có nghĩa là không làm được, vì cả quá trình đào tạo ĐH với bao nhiêu khó khăn, các trường còn làm được thì chuyện tuyển sinh đâu có gì là quá khó!
Tiến sĩ Tùng thẳng thừng: “Bộ đề ra chủ trương và phương án để các trường được tuyển sinh riêng thì chủ trương ấy phải tốt. Thế nhưng tại sao các trường, từ công lập đến NCL, đều không tham gia? Chính Bộ phải trả lời câu hỏi đó!”.
Về phương diện quản lý nhà nước, TS Tùng cho rằng, khi trao quyền tự chủ cho các trường thì Bộ phải tạo điều kiện, thậm chí hỗ trợ các trường thực hiện. Thực tế, Bộ lại đặt họ vào cái thế đối đầu với kỳ thi “ba chung” của Bộ. Ông Tùng ví von: “Trao quyền tự chủ cho các trường ĐH như Bộ đang làm cũng giống như người ta dắt tay trẻ con, giờ thả ra không dắt nữa, nhưng muốn đi đâu thì phải xin Bộ và gọi đó là “tự chủ”. Đó không phải là tự chủ, tự chịu trách nhiệm!”.
Bộ đâu muốn… buông
Như những gì Bộ GD-ĐT công bố, một “kỳ tuyển sinh” ĐH-CĐ, với Bộ GD-ĐT, đồng nghĩa với một “kỳ thi tuyển sinh” ĐH-CĐ. Nghĩa là, nếu không tham dự kỳ thi “ba chung” do Bộ tổ chức, các trường sẽ phải tổ chức kỳ thi riêng với “ba môn bốn khối” như xưa.
Điều này là trái ngược với những dự định về cách thức tuyển sinh (bằng xét tuyển kết hợp với thi tuyển giới hạn) mà các trường dự định sẽ thực hiện, gây khó cho các trường.
Ngoài ra, nó cũng khiến việc thi cử thêm nặng nề, xã hội thêm tốn kém, bởi nếu muốn ứng thí vào các trường thi riêng, sau khi tham gia hai đợt thi chung, thí sinh sẽ phải thi thêm một - hai đợt thi riêng.
Thứ hai, dưới sức ép của dư luận, Bộ buộc phải chuyển từ “không cho” sang “cho” sử dụng kết quả của kỳ thi “ba chung” (đối với các trường tuyển riêng), nhưng lại đặt điều kiện: chỉ được sử dụng những kết quả bằng điểm sàn trở lên. Rốt cuộc, cái gọi là “thiện chí biết lắng nghe” của Bộ là vô nghĩa, bởi khi chỉ được xét những thí sinh từ điểm sàn thì không khác gì phải thi “ba chung” và những khó khăn trong tuyển sinh chắc chắn sẽ không được cải thiện.
Thứ ba, muốn tuyển riêng, các trường phải trình phương án cho Bộ. Có “trình” ắt có “duyệt”, có “được duyệt” và “không được duyệt”, tức là có “xin” và có “cho”. Tất nhiên, không trường ĐH nào thích cơ chế này, vì nó không còn là tự chủ nữa và dễ sinh tiêu cực.
Chưa hết, Bộ công bố cho phép các trường được tuyển riêng vào ngày 26/12 (khi công bố Dự thảo Quy định về tuyển sinh 2014-2016) nhưng lại định hạn chót các trường phải trình phương án tuyển riêng vào 15/1, tức khoảng 20 ngày sau. “Để hoàn thành một phương án tuyển sinh cho hàng ngàn thí sinh dự thi chỉ trong vòng 20 ngày thì chỉ có thánh mới làm được”- một chuyên gia về tuyển sinh của một trường ĐH bức xúc.
Có thể thấy rõ, cách mà Bộ GD-ĐT đang đưa đẩy là làm khó các trường, trái với mong muốn của nhiều trường ĐH, nhất là các trường ĐH NCL.
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH NCL cho rằng, Bộ GD-ĐT chưa thực sự sẵn sàng trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường mà muốn buộc các trường phải chấp nhận kỳ thi chung.
Vì thế, Hiệp hội này đã gửi kiến nghị lên Chính phủ đề nghị bỏ năm điểm gồm: bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả thi của trường khác làm căn cứ xét tuyển, bỏ việc bắt các trường phải nộp đề án tuyển sinh và từ năm 2015 bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Luật Giáo dục ĐH ra đời và có hiệu lực từ đầu năm 2013 đã xác định rõ: các trường ĐH có quyền tự chủ về tuyển sinh, nhưng không hiểu vì lẽ gì, Bộ GD-ĐT vẫn cứ nại đủ lý do để không trao quyền tự chủ tuyển sinh thật sự cho các trường!
Nguồn PNO