Không tiền về quê, SV làm thêm được gì?
Thanh Tuấn với công việc làm thêm trong dịp Tết năm 2013 Ảnh: T.L |
Những sinh viên không có Tết
“Hiện em đang là sinh viên năm 3, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM. Do không có tiền về quê nên em nhận làm thêm trong những ngày Tết để trang trải học hành”, trên đây là lời giới thiệu đăng trên một trang thông tin tìm kiếm việc làm của Tuấn Minh. Không quá khó khăn để chúng tôi tiếp cận với một số sinh viên phải ở lại thành phố do điều kiện gia cảnh khó khăn như Tuấn Minh.
Thậm chí, hiện có hẳn cả một trang thông tin mang tên “Trông nhà ngày Tết” với hàng triệu lượt nhắn tin việc tìm người- người tìm việc của các bạn sinh viên.
Tuấn Minh cho biết, quê em ở Quảng Trị, do lịch học của trường nghỉ khá muộn nên em không thể mua được vé tàu về quê. Khi hỏi vé xe khách, em choáng váng vì giá vé từ TPHCM về Quảng Trị lên đến 1,3 triệu đồng/người. Không có tiền mua vé xe, năm nay em chấp nhận ăn Tết xa quê và kiếm việc làm thêm trong dịp Tết.
Năm nay, Trần Thanh Tuấn là sinh viên năm cuối Khoa Kế toán (Trường ĐH Hòa Bình, Hà Nội). Tuấn quê ở tận Lai Châu, bố mẹ em đều làm nông, sau Tuấn còn có 2 em nên gia cảnh rất khó khăn. Mỗi tháng, bố mẹ chỉ có thể chu cấp cho Tuấn 1 triệu đồng, bao gồm cả chi phí thuê nhà 700.000 đồng/tháng, tiền học phí trường dân lập… nên tháng nào em cũng phải đi làm thêm chứ không chỉ riêng dịp Tết.
Hàng tháng, em thường làm bồi bàn cho các quán cà phê với mức lương khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, em ở lại thành phố kiếm thêm ít tiền trang trải.
Tuấn kể, Tết năm kia, em cùng một người nhận trông nhà cho một gia đình, mỗi ngày được 300.000 đồng/ca 6 tiếng. Tết năm ngoái, em may mắn tìm được một gia đình cần hoàn thiện nhà gấp nên đi phụ hồ. Công việc vất vả, làm từ 5h sáng đến 9h tối nhưng mỗi ngày như thế cũng được 400.000 đồng. Hoàn thành tốt công việc, Tuấn còn được thưởng thêm 500.000 đồng nữa. Tổng cộng, đợt Tết năm ngoái, chỉ hơn 10 ngày làm thêm, Tuấn kiếm được 5 triệu đồng.
Tuấn chia sẻ: “Ngày Tết là lúc mặc đẹp, vui chơi và quây quần bên gia đình. Vì hoàn cảnh nên em mới phải ở lại thành phố chứ những ngày Tết xa quê, buồn vô cùng. Đôi khi chủ nhà tốt bụng cho em ăn uống trong mấy ngày Tết nhưng vẫn thèm cảm giác bên cạnh người thân. Nhất là đêm Giao thừa, nhìn mọi người quây quần bên nhau, trong khi dãy trọ gần 40 phòng mà chỉ có mỗi mình, buồn ứa nước mắt. Để đỡ buồn, sáng 5h em đã bật dậy đi làm, đến tận khuya mới về phòng trọ để những mệt mỏi làm mình thiếp đi, không còn phải suy nghĩ...”.
Rủi ro rình rập
Hiện Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM còn gần 1.500 đầu việc làm thêm cho sinh viên trong dịp Tết Giáp Ngọ đang chờ người đăng ký nhận việc. Trong số các đầu việc, chiếm nhiều nhất là bảo vệ đường hoa và các sự kiện lớn trong thành phố. Tiếp đó là công việc giám sát phát tờ rơi, bán hàng ở siêu thị, thu ngân, phục vụ các nhà hàng, quán ăn.
Đặc biệt, giúp việc gia đình hiện đang có mức thù lao cao nhất, với giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Sinh viên mong muốn kiếm được việc làm thêm ngày Tết, ngoài điều kiện phải đảm bảo được thời gian thì phải có bộ hồ sơ tốt, kỹ năng phỏng vấn ở các đơn vị tuyển dụng.
Tuy nhiên, theo lời của Thanh Tuấn, không phải trường nào cũng có điều kiện hỗ trợ sinh viên khó khăn về quê ăn Tết như trên và cũng rất khó khăn để có được những chiếc vé xe hỗ trợ từ phía nhà trường. Vì vậy, nhiều em đành chấp nhận ở lại thành phố làm thêm, vừa đỡ mất thời gian, vừa có thêm chi phí cho việc học.
Tuy nhiên, kiếm người và việc làm qua mạng Internet đều gặp nhiều rủi ro tiềm ẩn. Theo kinh nghiệm của Thanh Tuấn, nếu nghiêm túc, các bạn sinh viên cần đầu tư để có tài khoản VIP trên mạng. Em thường nạp thẻ qua một số trang tìm kiếm việc làm do các công ty có uy tín tổ chức. Mỗi lần nạp thẻ, em mất 15.000 đồng nhưng bù lại có thể kiếm được nhiều việc nghiêm túc. Thứ nữa, khi đi làm thì phải có giấy tờ tùy thân đầy đủ.
Đặc biệt, các bạn nên tỉnh táo với những lời mời chào lương giá sốc vì chưa chắc đã là công việc lương thiện. Hiện, giá thị trường mà Tuấn và một số bạn vẫn làm thêm rơi vào khoảng 150.000 đồng/ngày. Vào dịp Tết, giá làm thêm gấp đôi, thường từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Thị Bảy, Quản lý văn phòng Công ty CP Nhân lực Việt Phúc Minh (Hà Nội) cho biết, nhiều người hám rẻ nên tìm nhân lực làm thêm ngày Tết qua mạng để tiết kiệm được 500.000 đồng môi giới/người. Tuy nhiên, có người đã bị rủi ro do chưa tìm hiểu cụ thể. Nếu tìm việc qua các công ty uy tín, người giúp việc gia đình phải có hồ sơ từ Hội Phụ nữ địa phương gửi lên, công ty sẽ thẩm tra lý lịch và qua thời gian thử thách mới gửi đi cho các gia đình.
Riêng việc làm thời vụ trong vòng 10 ngày Tết, chi phí có thể lên đến 4 triệu đồng nhưng chỉ những người có kinh nghiệm từ 2-3 năm mới được công ty giới thiệu. Nếu các gia đình tìm người trông nhà thời vụ trong 3 ngày Tết mà chưa có kiểm chứng từ trước, theo chị Bảy, chắc chắn sẽ không đảm bảo.
Nguồn GĐXH