Bé trai Hà Nội tử vong trong nhà tắm, nguyên nhân từ thói quen nhiều gia đình mắc
Theo người nhà bệnh nhi chia sẻ, chiều ngày 27/10, bố mẹ đi làm, trẻ ở nhà một mình. Chiều cùng ngày, người thân trở về nhà và phát hiện con nằm bất động ở sàn nhà tắm, tay cầm vòi hoa sen còn mở.
Lúc này, trẻ tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim, gọi hỏi không đáp ứng, người nhà tiến hành ép tim nhưng không đáp ứng.
Trẻ được quấn khăn quanh người và đưa vào Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, tay chân đã lạnh toát.
Các bác sĩ trực cấp cứu hỏi ngay thì được bố mẹ nói cháu bị điện giật. Vì trước đó cũng đã sờ vào vòi hoa sen thì thấy tê tê (nghĩa là mát điện) nhưng chưa kịp sửa. Các dấu hiệu không còn gì ngoài một vài vết xước ở chân và hai vết xước ở ngực.
Bác sĩ Trung tâm Nhi khoa thông tin, trẻ vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở trong thời gian dài, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch, đồng tử 2 bên giãn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả.
Đây là trường hợp đầu tiên bị điện giật tử vong do rò điện bình nóng lạnh khi tắm được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Nhi Khoa, BV Bạch Mai. Tuy nhiên, trước đó cũng đã từng có trường hợp xảy ra.
Do đó, các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa khuyến cáo, tốt nhất nên tắt bình nóng lạnh trước khi tắm. Vì việc này vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em - khi bị điện giật thì không thể xử lý được. Nhất là khi các cháu ở nhà một mình thì rất nguy hiểm.
Ngoài ra để phòng tránh những tai nạn thương tâm này các gia đình nên sửa chữa thiết bị điện an toàn. Nên có bố mẹ ở nhà khi trẻ tắm.
Nếu bị điện giật, việc đầu tiên là phải ngắt ngay nguồn điện, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. Những lúc như thế, người thân được đào tạo thì nên ép tim - ép tim càng sớm càng tốt, nếu biết thổi ngạt thì thổi ngạt còn không thì ép tim, vừa ép tim vừa đưa đến bệnh viện.
Trong cuộc sống, tai nạn điện giật thường do các nguyên nhân phổ biến như: Dùng dao kéo cắt dây điện khi chưa tắt nguồn, dùng vật bằng kim loại như kéo, vít,… chọc vào ổ cắm điện, trẻ em chọc tay vào ổ cắm điện, rút ổ cắm điện sai cách, giật điện do bình tắm nước nóng, chạm phải thiết bị điện bị rò rỉ điện, thậm chí dùng cây ẩm ướt chọc vào đường dây điện trước nhà,…
Sơ cứu người bị điện giật là việc rất quan trọng, đòi hỏi phải làm nhanh và an toàn. Nếu biết cách sơ cứu người bị điện giật đúng cách và nhanh chóng có thể giúp nạn nhân thoát khỏi tay tử thần trong gang tấc.
Theo đó, việc đầu tiên các chuyên gia cho rằng cần làm là tắt nguồn nhanh chóng. Sau đó tách nguồn điện ra khỏi người nạn nhân. Khi đã tắt được nguồn điện, bạn có thể tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng những vật không truyền điện, đồng thời đẩy dây điện ra xa người nạn nhân.
Các vật dụng không dẫn điện mà bạn có thể sử dụng như: chổi có cán bằng nhựa hoặc bằng gỗ, thanh gỗ dài, ghế nhựa, chai nhựa, các vật làm bằng cao su…
Khi tắt được nguồn điện, bạn có thể sử dụng tay không để tách nạn nhân ra, tuy nhiên để an toàn hơn bạn vẫn nên sử dụng vật cách điện.
Sau khi tách được nạn nhân ra khỏi nguồn điện cần khẩn đưa tới vị trí an toàn tiến hành lập tức các bước sơ cứu trong lúc chuẩn bị để đưa đến viện gồm: Đặt nạn nhân ở tư thế nằm thoải mái, đầu thấp, thoáng khí; Không để nạn nhân bị lạnh, lấy vải sạch phủ lên người; Kiểm tra mức độ chấn thương và kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo không. Hãy gọi tên và chờ xem nạn nhân có trả lời hay không.
Nếu nạn nhân hôn mê hãy tiến hành mở đường thở bằng cách nâng cằm và ngửa đầu ra sau. Nếu không thể mở đường thở hãy cho nạn nhân nằm ngửa ra mà kiểm tra miệng xem có bất thường không.
Thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân không thở và sờ vào không có mạch, chỉ khi bạn có thể an toàn chạm vào người nạn nhân thì mới thực hiện hô hấp nhân tạo. Nếu nạn nhân tỉnh táo và bỏng nhẹ, hãy rửa vết bỏng dưới vòi nước mát.
Nếu vết thương bị chảy máu, hãy sử dụng băng gạc đắp lên để cầm máu. Nếu nạn nhân bị tổn thương nặng thì cần gọi cấp cứu và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời và tránh di chứng nặng về sau.
N. Huyền