Xử phạt bệnh viện Việt Đức 14 triệu: 'Số tiền quá nhỏ so với kinh phí chống dịch'
Mức phạt 14 triệu đồng đối với bệnh viện Việt Đức là 1 khoản vô cùng nhỏ so với kinh phí chống dịch và không thấm tháp gì với công sức của hàng trăm nhân viên y tế cơ sở và CDC xuyên đêm dập dịch...
Đã có 41 trường hợp dương tính với SARS- CoV- 2 liên quan đến Bệnh viện Việt Đức |
Từ ổ dịch ở BV Việt Đức, chuyên gia hiến kế để không bùng dịch tại các bệnh viện
'Nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao, tốt nhất không cho người nhà vào chăm bệnh nhân trong bệnh viện mà phải chi trả khoản tiền cho những người ở trong bệnh viện phục vụ'.
Ngày 3/10, UBND Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ra Quyết định xử phạt bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 14 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo Quyết định, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có hành vi vi phạm hành chính: Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; quy định tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có tình tiết tăng nặng: Vi phạm hành chính có quy mô lớn, tính chất phức tạp. Mức phạt với bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 14.000.000 đồng.
Trao đổi với phóng viên Infonet, một lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết, cho tới nay đã có 4 ổ dịch lớn xảy ra ở 4 bệnh viện Trung ương nằm trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Các ổ dịch này đều liên quan tới nhiều tỉnh thành. Với mỗi ổ dịch từ bệnh viện ra cộng đồng như vậy phải chi phí khá nhiều công sức và tiền bạc cho việc xử lý ổ dịch, bao gồm các chi phí cho cách ly, phong tỏa, xét nghiệm.
“Với mỗi ổ dịch từ bệnh viện, CDC phải xét nghiệm từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn mẫu ngoài cộng đồng (gồm người đã từng đến bệnh viện, các F liên quan) để tầm soát. Ngân sách Thành phố chi ra cho xét nghiệm không nhỏ, và nó là tiền thuế của dân đóng góp. Chưa kể hàng trăm cán bộ y tế cơ sở lại xuyên đêm truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm. Công việc của họ quá vất vả, trong khi họ chỉ có đồng lương cơ bản”, vị lãnh đạo này cho hay.
Xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nơi nguy cơ cao bùng dịch, nên Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở y tế. Vị lãnh đạo CDC Hà Nội kiến nghị các bệnh viện cần có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ các quy định về phòng chống dịch. Bộ Y tế cần có trách nhiệm kiểm tra giám sát các cơ sở y tế trong phạm vi mình quản lý xem có thực hiện các văn bản do Bộ ban hành hay không.
“Trong bối cảnh chúng ta phải sống chung với dịch, nhiệm vụ chủ động giám sát, sớm phát hiện dịch của các bệnh viện phải luôn được đề cao, nâng mức độ cảnh giác. Có như vậy, bệnh viện và cộng đồng mới sống an toàn với dịch bệnh. Phát hiện và khoanh vùng sớm sẽ giảm chi phí sức người, sức của cho việc dập dịch. Bệnh viện chưa kiểm soát tốt, gây lây lan dịch bệnh, trách nhiệm trước hết thuộc về Lãnh đạo bệnh viện. Sau đó đến cơ quan chủ quản”, vị này cho hay.
Trước đó, trả lời Infonet, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho rằng, đã đến lúc tất cả các bệnh viện phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát. Ít nhất những người đến viện phải được xét nghiệm ngay hoặc sau khi nhập viện cũng cần được xét nghiệm luôn và xét nghiệm định kỳ. Việc xét nghiệm nhằm biết tình trạng bệnh.
Ông Nga cũng đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao, vì thế những người đến bệnh viện cần phải có sàng lọc theo quy định của Bộ Y tế (phân luồng, xét nghiệm) đặc biệt là những người bệnh nội trú.
Đồng tình với quan điểm này, một lãnh đạo bệnh viện khác cũng cho rằng trong giai đoạn mới chung sống an toàn thì bệnh viện vẫn phải giám sát dịch ở mức cao - sàng lọc 3 lớp.
Việc làm này tuy tốn kém xét nghiệm và nhân lực nhưng vẫn phải làm. Không phải chỉ bệnh viện trung ương mà tất cả các cơ sở y tế vì nguy cơ ở đây sẽ là cao nhất và bệnh nhân là người đang có bệnh cấp tính hoặc bệnh nền (bệnh mạn tính).
Liên quan đến chùm ca bệnh tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đến 12h trưa nay (4/10), ngành y tế đã phát hiện tổng cộng 41 bệnh nhân, trong đó 33 người tại Hà Nội (bao gồm người nhà, người bệnh, nhân viên y tế, 1 người bán cơm tại cổng Bệnh viện) và 8 người tại các địa phương khác.
Những trường hợp nào cần xét nghiệm, cách ly khi di chuyển giữa các vùng
Bộ Y tế có văn bản gửi UBND TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch Covid-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ.
N. Huyền