Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam 'hiến kế' phòng chống dịch hiệu quả
Tiến sĩ Kidong Park cho rằng vắc xin có thể bảo vệ con người khỏi bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, vắc xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Ảnh minh hoạ |
Nam sinh 'cãi' mẹ lao vào ổ dịch
Tiêm vắc xin mũi 1 được mấy ngày, Khôi Nguyên lập tức đăng ký tham gia tình nguyện tại ổ dịch Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Hay tin, mẹ cậu đã khóc và nói 'hãy ích kỷ cho bản thân một lần có sao đâu con'.
Việt Nam đối mặt với thách thức
Đánh giá công tác phòng chống dịch, và chủ trương nới lỏng giãn cách của Việt Nam, TS Kidong Park cho rằng Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng của các ca Covid-19. Điều này thể hiện qua số ca mắc và tử vong cao được ghi nhận hàng ngày. Đối với Việt Nam, đợt dịch thứ 4 là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải trải qua từ trước đến nay trên cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM.
Thách thức lớn nhất là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh. Nó đã góp phần vào sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca bệnh và đang khiến việc ngăn chặn sự lây lan của vi rút trở nên khó khăn, ở cả Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Sự gia tăng nhanh chóng về số ca bệnh này khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe phải mở rộng quá mức và vượt quá khả năng được chuẩn bị để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp cho những người cần nó nhất.
TS Kidong Park cũng lưu ý, một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa các quốc gia là tỷ lệ tiêm vắc xin. Ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 vẫn còn rất thấp, ngay cả đối với liều đầu tiên. Hiện nay, sự gia tăng các ca bệnh và tử vong chủ yếu xảy ra ở những người không được tiêm vắc xin ở tất cả các quốc gia.
Chúng ta phải hoàn toàn kiểm soát được vi rút
Trả lời câu hỏi nếu đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt 70% dân số (đối tượng là người trên 18 tuổi), Việt Nam có thể yên tâm để mở cửa, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới như nhiều nước hay không, TS Kidong Park cho rằng vắc xin đã được chứng minh là có thể bảo vệ con người khỏi bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, vắc xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Ông dẫn chứng ở nhiều quốc gia việc nới lỏng quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội và y tế đang đặt những người chưa được tiêm vắc xin và những người bị suy giảm miễn dịch vào nguy cơ cực kỳ cao.
“Vi rút SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây nhiễm trong một thời gian rất dài và rõ ràng là Covid-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải tìm cách sống an toàn với nó. Cũng như các vi rút gây đại dịch cúm trước đây, nó sẽ phát triển để trở thành một trong những vi rút gây ảnh hưởng đến chúng ta.
Sự phát triển của vi rút và sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ đóng một vai trò trong dài hạn. Điều này càng làm cho việc giảm sự lây truyền trở nên quan trọng hơn để vi rút có ít cơ hội đột biến hơn.
Ngoài việc tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin, Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng chúng ta hạn chế sự lây lan của vi rút bằng các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả như Thông điệp 5K và xây dựng năng lực cho hệ thống y tế để phát hiện ca bệnh, điều trị và giảm tử vong.
Chúng ta phải linh hoạt trong việc áp đặt các biện pháp chống dịch để hạn chế những thiệt hại về kinh tế, xã hội và sức khỏe của đại dịch này. Và chúng ta phải hoàn toàn kiểm soát được vi rút chứ không phải vi rút kiểm soát chúng ta”, TS Kidong Park nhấn mạnh.
Một lần nữa TS Kidong Park khẳng định trên toàn cầu và tại Việt Nam, có một điều rõ ràng là vi rút sẽ không biến mất trong thời gian gần và sẽ tiếp tục lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nó cũng sẽ để lại những hậu quả về tài chính ngắn hạn và dài hạn.
“Tôi hiểu rằng Chính phủ đang nỗ lực xây dựng lộ trình để Việt Nam “sống chung với Covid-19”. WHO khuyến khích Việt Nam xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ hỗ trợ kỹ thuật nào khi cần thiết”, TS Kidong Park nói.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng kiến nghị một số biện pháp để đạt được lộ trình “sống chung với Covid-19”. Cụ thể:
Thứ nhất, ưu tiên các các nhóm được tiêm chủng, đặc biệt là nhân viên y tế, người lớn tuổi, những người có bệnh nền tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt.
Thứ hai, dành nhiều ưu tiên hơn cho việc tiêm vắc xin cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch, với hệ thống y tế tương đối yếu và điều kiện cơ sở vật chất yếu kém.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, nơi làm việc… Các biện pháp bảo vệ cá nhân và các biện pháp y tế công cộng sẽ làm giảm sự lây truyền, thậm chí khi một số chính sách phòng chống dịch đã được nới lỏng.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa năng lực cho hệ thống y tế để quản lý tốt hơn bệnh nhân Covid-19 nặng đồng thời đưa ra mô hình, lộ trình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ và trung bình.
N. Huyền