Khuyến cáo của WHO về hoạt động phun khử khuẩn ngoài trời
WHO đưa ra các khuyến cáo về hoạt động phun khử khuẩn ngoài trời, cũng như đeo găng tay ở nơi công cộng để phòng chống đại dịch Covid-19.
Trong bộ tài liệu về làm sạch và khử trùng bề mặt tại những khu vực không phải là cơ sở y tế để phòng chống đại dịch Covid-19 hồi tháng 5/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra các khuyến cáo về việc có nên phun thuốc khử trùng ở ngoài trời như tại khu chợ mở hay đường phố.
Theo WHO, "việc phun hóa chất khử trùng quy mô lớn ở không gian ngoài trời như tại các khu chợ mở hay đường phố để phòng chống dịch Covid-19 hoặc những mầm bệnh khác là không được khuyến cáo”.
Binh sĩ Hàn Quốc phun khử khuẩn ở một nhà ga tại Daegu trong chiến dịch ngăn chặn đại dịch Covid-19. (Ảnh: AP) |
Cũng theo WHO, đường phố và vỉa hè không được xem là nơi làm lây lan Covid-19. Do đó, việc phun khử khuẩn ở môi trường bên ngoài có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người như gây dị ứng mắt và da hay co thắt phế quản.
WHO cho rằng, hoạt động phun khử khuẩn ngoài trời sẽ không đạt hiệu quả là do các bề mặt dính quá nhiều bụi bẩn và các chất khác trong không khí có thể làm vô hiệu hóa chất khử trùng.
Đáng nói, dù loại bỏ yếu tố bụi bẩn hay các chất trong không khí, hoạt động phun hóa chất khử khuẩn cũng khó có thể bao phủ đầy đủ tất cả bề mặt, cũng như đủ thời gian để kích hoạt hóa chất tiêu diệt mầm bệnh.
Vậy những khu vực nào nên được ưu tiên khử khuẩn?
Theo WHO, hoạt động khử khuẩn là điều quan trọng để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại những khu vực không phải là cơ sở y tế như tại nhà, văn phòng, trường học, phòng gym, các tòa nhà công cộng, các trung tâm cộng đồng, khu chợ, giao thông vận tải, khu kinh doanh và nhà hàng.
Những bề mặt hay tiếp xúc cần được ưu tiên khử khẩn bao gồm cánh cửa và tay nắm cửa, nhà bếp và khu vực chế biến thực phẩm, bề mặt nhà tắm, nhà vệ sinh, vòi nước, các thiết bị cá nhân, bàn phím và bề mặt tại chỗ làm việc.
WHO cũng khuyến cáo không phun thuốc khử trùng trên các bề mặt trong nhà vì một nghiên cứu từng chứng minh hoạt động này không có hiệu quả. Do đó, “chỉ nên dùng vải thấm chất khử trùng để lau các bề mặt".
Việc đeo găng tay ở những nơi công cộng như đi siêu thị có nên?
Theo WHO, chuyện này là không. Việc sử dụng găng tay ở những nơi công cộng không được khuyến cáo và cũng không được chứng minh là có hiệu quả phòng Covid-19. Bởi đeo găng tay không thể thay thế việc khử khuẩn tay. Nó cũng không được xem là biện pháp tăng cường nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc Covid-19 thay cho hoạt động rửa tay thường xuyên.
Nguyên nhân là do găng tay không thể bảo vệ bàn tay hoàn toàn khỏi bị nhiễm khuẩn do mầm bệnh vẫn có thể bám vào da tay thông qua những lỗ hổng li ti ở trên găng tay hoặc trong quá trình người sử dụng tháo bỏ găng tay.
Thậm chí, người dân có thể truyền mầm bệnh từ bề mặt này sang bề mặt khác khi đeo găng tay và cả đưa mầm bệnh lên miệng, mũi hay mắt nếu như họ vô ý để găng tay chạm lên những bộ phận này trên cơ thể.
Nên dừng việc phun hoá chất ngoài trời phòng ngừa Covid-19?
Theo các chuyên gia việc sử dụng hoá chất phun ngoài đường, phun lên cây, không trung, hoàn toàn không có tác dụng tiêu diệt vi rút gây bệnh Covid-19 mà làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Minh Thu (lược dịch)