WHO kêu gọi nước giàu hoãn tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 vì nhiều nước nghèo chưa tiêm mũi 1
WHO kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 để hỗ trợ các nước nghèo, nơi người dân còn chưa được tiêm mũi 1.
Hôm 4/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tạm hoãn tiêm mũi tăng cường vắc-xin Covid-19 nhằm bổ sung nguồn cung vắc-xin cho các nước thu nhập thấp, vốn có tỷ lệ người tiêm mũi 1 còn rất thấp.
Theo ông Ghebreyesus, phần lớn các nước giàu hiện vượt xa các nước đang phát triển trên thế giới về số lượng mũi tiêm chủng. Cũng theo ông Ghebreyesus, các nước giàu hơn có tỷ lệ mũi tiêm vắc-xin trên 100 người là 100/100. Trong khi ở các nước thu nhập thấp do ảnh hưởng bởi nguồn cung vắc-xin hạn hẹp, tỷ lệ mũi tiêm vắc-xin trên 100 người là 1,5/100.
WHO kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 vì nhiều nước nghèo trên thế giới còn chưa được tiêm mũi 1. (Ảnh: Modern Healthcare) |
Các quan chức WHO cũng nhấn mạnh, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh việc tiêm thêm mũi thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 đạt hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Do đó, WHO nhiều lần kêu gọi các nước giàu cần có thêm hành động hỗ trợ cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước đang phát triển.
Theo ước tính của WHO, nếu như 11 quốc gia giàu triển khai tiêm thêm mũi vắc-xin tăng cường cho người dân, họ sẽ sử dụng tới 440 triệu liều. WHO cho rằng, số lượng vắc-xin này sẽ hữu ích hơn trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19 nếu chúng được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, nơi hơn 85% người dân tương đương khoảng 3,5 tỷ người còn chưa được tiêm mũi 1 vắc-xin. WHO cảnh báo, vắc-xin hiện vẫn là nguồn tài nguyên khan hiếm trên thế giới.
WHO nhấn mạnh thêm, không ai được an toàn cho tới khi tất cả mọi người được an toàn bởi thời gian chờ đợi được tiêm vắc-xin càng lâu, càng làm tăng cơ hội xuất hiện thêm các biến chủng virus corona, từ đó làm kéo dài thêm cuộc khủng hoảng toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Trên thực tế, WHO không có quyền yêu cầu các nước hành động theo đề nghị và thậm chí nhiều nước còn phớt lờ lời kêu gọi của tổ chức này về việc tài trợ vắc-xin, giới hạn hoạt động di chuyển liên biên giới và đưa ra các biện pháp thúc đẩy sản xuất vắc-xin Covid-19 tại những nước đang phát triển.
Ông Ghebreyesus cũng một lần nữa nhắc lại mục tiêu mà WHO công bố hồi tháng Năm là đảm bảo 10% dân số tại tất cả các nước được tiêm vắc-xin Covid-19.
“WHO kêu gọi các nước dừng triển khai tiêm mũi vắc-xin Covid-19 tăng cường cho tới ít nhất là cuối tháng Chín để đảm bảo mục tiêu ít nhất 10% dân số tại các nước được tiêm phòng”, AP dẫn lời ông Ghebreyesus.
Để hạ nhiệt đại dịch Covid-19, WHO hiện tập trung vào hoạt động tiêm vắc-xin cho những người lớn tuổi, các nhân viên y tế, cùng các nhóm dân số ở nhiều nước trước khi chiến dịch tiêm thêm 1 mũi tăng cường được nhiều nước giàu triển khai
Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO, cho hay hoạt động hoãn tiêm thêm 1 mũi tăng cường nên được triển khai cho tới khi phần còn lại của thế giới bắt kịp cuộc chiến chống Covid-19.
“Trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều biến chủng, chúng ta không thể đi ra ngoài nếu như phần còn lại của thế giới không thể ra ngoài. Giữa lúc còn tồn tại sự chênh lệch lớn trong hoạt động tiêm phòng vắc-xin Covid-19, chúng ta không thể đạt được mục tiêu đã đề ra”, ông Aylward nhận định.
Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới gồm Israel, Pháp, Đức và các nước Trung Đông đã bắt đầu triển khai tiêm thêm 1 mũi vắc-xin Covid-19 tăng cường cho người dân. Trong khi, Mỹ và Anh đang cân nhắc kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho người dân, sau khi chứng kiến sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.
Điển hình, dù đã có 62% dân số đã được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đầy đủ, song vào ngày 1/8, Israel trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm thêm 1 mũi tăng cường cho người dân và tập trung vào người có hệ miễn dịch kém.
Cũng trong ngày 1/8, Hungary bắt đầu chương trình tiêm vắc-xin tăng cường cho những đã tiêm đủ liều vắc-xin cách đó 4 tháng.
Hay như thông tin được tờ New York Times đăng tải, vào tháng Bảy, Nga đã tiêm vắc-xin Covid-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ mũi được 6 tháng.
Có cần tiêm mũi 3?
Tiến sĩ Katherine O’Brien, người phụ trách vắc-xin của WHO, cho rằng vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ chứng minh việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết hay không. Do đó, thông điệp chính là “chúng ta cần tập trung vào nhóm những người dễ bị tổn thương nhất”.
Ngay cả nhà khoa học chính của WHO Soumya Swaminathan nhấn mạnh không có bằng chứng nào cho thấy cần phải tiêm nhắc lại trước “một năm hoặc hai năm”.
Do đó, các quan chức WHO một lần nữa kêu gọi sự “đoàn kết” toàn cầu để chiến đấu với đại dịch Covid-19, cũng như hối thúc các nước giàu và tổ chức chung tay giúp đỡ.
“Chúng ta cần sự hợp tác từ mọi người đặc biệt là nhóm các nước và công ty kiểm soát nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu”, ông Ghebreyesus chỉ đích danh các nước kinh tế lớn thuộc nhóm G20.
“G20 nắm vai trò lãnh đạo quan trọng, bởi đây là những nước có các nhà sản xuất quy mô lớn nhất, khách hàng lớn nhất và nhà tài trợ lớn nhất cho vắc-xin Covid-19”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Ông Ghebreyesus hối thúc G20 đưa ra “những lời cam kết chắc chắn hỗ trợ những mục tiêu tiêm chủng toàn cầu”.
“Chúng tôi kêu gọi những người có tầm ảnh hưởng như các vận động viên Olympic, các nhà đầu tư, các nhà lãnh đạo kinh doanh, các nhà lãnh đạo thế giới, cùng với các cá nhân trong gia đình và cộng đồng hỗ trợ lan truyền lời kêu gọi hoãn tiêm thêm mũi tăng cường vắc-xin Covid-19 cho tới ít nhất là cuối tháng Chín”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Tình cảnh trái ngược của người tiêm và không tiêm vắc-xin Covid-19
Người vợ tiêm vắc-xin Covid-19 và khỏi bệnh sau 10 ngày nhiễm virus corona, nhưng người chồng phải nằm ICU do không tiêm vắc-xin.
Minh Thu (lược dịch)