TP.HCM tiêm trộn vắc xin Pfizer cho người tiêm Moderna mũi 1: Đơn vị tiêm chủng nói gì?
Hiện TP.HCM đã hết vắc xin Moderna nên Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị tiêm chủng có thể lựa chọn vắc xin phù hợp để tiêm cho người đã tiêm mũi 1 Moderna.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố đã hết vắc xin Moderna nên sẽ triển khai tiêm trộn vắc xin. Trước thực tế khan hiếm vắc xin thì các nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc tiêm trộn vắc xin cùng loại cũng mang lại hiệu quả. Vì vậy, người đã tiêm mũi 1 Moderna có thể tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 nếu người tiêm đồng ý.
Theo ThS BS. Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, vắc xin Moderna được khuyến cáo tiêm mũi 2 sau 28 ngày. Đây là khoảng thời gian tối thiểu cần thiết để kích thích trí nhớ miễn dịch giữa 2 lần tiêm vắc xin Moderna và không có quy định về khoảng thời gian tối đa.
Do vậy, nếu mũi thứ 2 của vắc xin Moderna được tiêm muộn hơn thời gian tối thiểu 28 ngày thì người dân không nên hoang mang và lo lắng.
Thời gian cách xa nhau của 2 mũi vắc xin Moderna có thể lên đến 6 tuần – 16 tuần sau liều đầu tiên mà vẫn đạt được hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, khi người dân tiêm muộn vắc xin Moderna cũng không cần tiêm vắc xin lại từ đầu.
Đánh giá trong thử nghiệm lâm sàng cấp phép của Moderna cho thấy ngay cả khi chỉ tiêm một liều thì hiệu lực bảo vệ chung của vắc xin (1-108 ngày) đạt 80%, và sau tối thiểu 14 ngày là 92.1%.
Nghiên cứu vắc xin Moderna trong thế giới thực cho thấy sau tối thiểu 14 ngày tiêm một liều Moderna: hiệu quả chống bệnh Covid-19 có triệu chứng là 72% với biến thể Delta và 83% với biến thể Alpha và khả năng giảm nguy cơ nhập viện, tử vong lên tới 96%.
Ảnh minh hoạ. |
Nghiên cứu đánh giá về lịch tiêm tiêu chuẩn và lịch tiêm trì hoãn mũi tiêm thứ hai trên những người tiêm vắc xin Pfizer và Moderna, trong đó có hơn một nửa là người già 60-74 tuổi tại Quebec, Canada ghi nhận hiệu quả bảo vệ giảm nhập viện do Covid-19 đạt hơn 95% và kéo dài đến 16 tuần với 1 mũi tiêm duy nhất - BS Minh nói.
Về việc tiêm trộn, bác sĩ Minh cho biết theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC Mỹ do không có đủ dữ liệu nghiên cứu về tính an toàn và đánh giá hiệu lực vắc xin khi thay thế qua lại giữa vắc xin Moderna với vắc xin Pfizer.
Nhưng trong trường hợp bất khả kháng tạm thời không có cùng loại vắc xin mRNA, tốt hơn là nên trì hoãn liều thứ hai để người được tiêm chủng nhận cùng loại vắc xin hơn là phối hợp vắc xin khác loại.
Về khả năng tiêm trộn 2 mũi vắc xin mRNA khác loại trong trường hợp bất khả kháng về cung ứng vắc xin trong bối cảnh đại dịch Covid-19: người tiêm mũi 1 là Moderna có thể được cân nhắc mũi 2 là Pfizer với khoảng cách tối thiểu 28 ngày giữa hai liều tiêm. Sau khi hoàn tất hai mũi tiêm vắc xin thì người được tiêm chủng xem như đã hoàn thành lịch tiêm vắc xin Covid-19, không cần bổ sung liều nào của vắc xin mRNA nữa.
Một số quốc gia như Canada và Anh đã có những khuyến cáo chính thức về việc có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vắc xin Moderna - mũi 2 là Pfizer (hoặc ngược lại) khi không có loại vắc xin sẵn có và đã trì hoãn lịch tiêm trên 8 tuần.
BS Minh cũng cho biết đến nay không ghi nhận biến cố bất lợi sau tiêm chủng nghiêm trọng nào của việc tiêm trộn 2 vắc xin này trong cùng một liệu trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Vắc xin mRNA-1273 của Moderna (tên khác là vắc xin Spikevax) được cấp phép tại Mỹ, chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Vắc xin Moderna đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 3122/QĐ-BYT ký ngày 28/6/2021.
Tất cả người tiêm vắc xin Moderna cần tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 28 ngày. Liều thứ 2 không được chỉ định tiêm sớm hơn. Sau mũi 2, cơ thể mất khoảng 2 tuần để xây dựng khả năng miễn dịch đầy đủ. Sau khoảng thời gian đó, văc xin có hiệu lực bảo vệ khoảng 94%.
Khánh Chi