Hơn 2 tháng, BVDC số 1 có hơn 15 nghìn ca F0 được ra viện, không có ca tử vong
Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động BV dã chiến số 1 đã thu dung và điều trị cho hơn 18 nghìn ca F0, đã có hơn 15 nghìn ca F0 được ra viện, điều vui nhất là không có ca tử vong.
Hai tháng, người phụ nữ 2 lần tiễn chồng, con trai lên đường vào 'tâm dịch'
Chồng đi Bắc Giang chống dịch vào tháng 5, 2 tháng sau, con trai chị Thảo (Hà Đông) lại cùng đoàn y bác sĩ Học viện Quân y lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện Dã chiến số 1 cho biết, được xây dựng lên từ con số 0, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 26/6 đến nay, BV dã chiến số 1 đặt ở Ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An Ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, đã điều trị cho hơn 18 ca nhiễm Covid-19.
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 có quy mô 4.500 giường, tuy nhiên, do tình hình Covid-19 phức tạp có thời điểm cao số ca thu dung lên tới hơn 3000, hiện tại số ca luôn từ 2400 – 3000 ca. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 250 – 300 ca F0, song song với đó số ca ra viện trở về cách ly tại nhà cũng liên tục tăng.
Bác sĩ Tâm từ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được điều sang BV Dã chiến số 1 từ ngày đi vào hoạt động chia sẻ, điều vui nhất của anh và các đồng nghiệp ở đây đó là chưa phải ký giấy báo tử cho một ca Covid-19 nào. Bệnh viện Dã chiến số 1 cũng chia làm các phân khu, mỗi khu tương đương với 1 khoa lâm sàng, giao trực tiếp cho các bác sĩ phụ trách tương đương như 1 trưởng khoa. Bệnh nhân của khu sẽ được theo dõi từ khi vào viện và bệnh nhân được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ hàng ngày nếu có dấu hiệu trở nặng sẽ can thiệp ngay. Trường hợp nặng phải chuyển tuyến trên, bác sĩ Tâm sẽ nhanh chóng liên hệ chuyển tuyến.
Bệnh viện dã chiến số 1 đã có 15 nghìn ca F0 được ra viện. |
Bác sĩ Tâm cho biết sau hơn 1 năm tìm hiểu về Covid-19 với thực tế, dần dần bác sĩ đã hiểu về nó. Điều quan trọng nhất của bệnh viện Covid-19 đó là theo dõi sát sao và khi thấy có dấu hiệu có thể trở nặng sẽ cho điều trị uống thuốc dự phòng sớm sẽ kiểm soát được tình trạng trở nặng hơn.
Theo bác sĩ Tâm những điều bệnh viện triển khai và mang lại hiệu quả:
Thứ nhất, bệnh viện luôn đảm bảo tiến độ xét nghiệm RT-PCR cho người bệnh vào ngày thứ 7 sau khi có kết quả PCR lần 1 và trả kết quả sớm nhất kể từ khi lấy mẫu bệnh phẩm. Điều này không chỉ giúp tạo cho người bệnh một tinh thần thoải mái, mau bình phục mà còn làm giảm áp lực cho hệ thống y tế, nhanh chóng tiếp nhận những bệnh nhân mới cần được chăm sóc điều trị.
Thứ hai, tăng cường kết nối trực tuyến với người bệnh, theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện những trường hợp diễn tiến bất thường đề xử trí ngay. Cùng một lúc, bệnh viện phải quản lý chăm sóc cho một số lượng lớn bệnh nhân. Chính vì vậy, việc tạo lập các đường dây nóng hoạt động 24/24, nhóm zalo kết nối những người bệnh từng khoa với bác sĩ phụ trách là một giải pháp khá hiệu quả. Chỉ với 1 tin nhắn, 1 cuộc gọi của người bệnh, bác sĩ nhận ngay thông tin và xử trí kịp thời. Trường hợp nặng cần hội chẩn sẽ được gửi vào group bệnh viện nặng hơn sẽ được hội chẩn liên viện và chuyển bệnh nhân đi kịp thời nhất.
Thứ ba, tinh thần làm việc của nhân viên y tế, các tình nguyện viên cũng như bệnh nhân hợp tác cũng giúp bệnh viện hoạt động tốt hơn. Thậm chí nhân viên y tế mắc Covid-19 vẫn tình nguyện tiếp tục tham gia chăm sóc người bệnh, vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho người bệnh thông qua những kênh kết nối trực tuyến cũng như trực tiếp hỗ trợ người bệnh khi người bệnh bị khó thở, trở nặng. Nhiều nhân viên y tế quyết tâm “hết dịch mới về nhà”.
Bs Tâm cho rằng đây là điều rất đáng mừng đối với tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 1. Mặc dù số ca chuyển nặng tăng cao nhưng chúng tôi vẫn cố gắng điều trị, xử lý ổn thỏa. Hy vọng trong thời gian tới số bệnh nhân được xuất viện ngày càng tăng cao.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19: Nguyên tắc của tiêm vắc xin phòng Covid-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 4/9/2021 là 6.444.826 (tăng 123.777 mũi vắc xin so với ngày 03/09/2021). Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.992.514, mũi 2 là 452.312, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 695.513.
K.Chi