Thực hư tổ yến phòng, chống Covid-19
Yến sào (tổ yến) là loại thực phẩm quý, bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe. Gần đây yến sào được nhiều người tìm mua để phòng Covid-19.
Người mắc bệnh tim mạch có tiêm được vắc xin phòng Covid-19?
Những người mắc bệnh lý tim mạch có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19? Nếu tiêm thì nhóm đối tượng này có gặp tác dụng phụ gì bất thường hay không?
Chia sẻ với phóng viên, Ths.Bs Hoàng Mạnh Ninh (Bệnh viện Bưu điện) – một thành viên trong đội ngũ bác sĩ của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, cho biết trong quá trình nhận được các cuộc gọi đến cần tư vấn ngoài những câu hỏi về triệu chứng bệnh, tiêm phòng vắc xin thì anh cũng gặp được không ít những thắc mắc liệu đông trùng hạ thảo hay tổ yến có phải là vị thuốc chữa được Covid-19 hay không.
Theo đó, có một vị khách cho biết đã tích đủ ‘cơ số thuốc tây' và không quên “găm thêm” 3 lạng tổ yến để phòng Covid-19. Tổng tiền chi cho số thuốc và tổ yến lên tới gần 30 triệu.
Ths.Bs Hoàng Mạnh Ninh |
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, trong y học cổ truyền sử dụng tổ yến như một vị thuốc và thường được kê trong các phương thuốc điều trị các bệnh hư chứng (tỳ, vị, phế, thận), bệnh lao, hen suyễn, ho khan, ho ra máu, suy nhược, cải thiện giọng nói, khó thở, suy nhược cơ thể.
Vậy yến sào có phòng, chống Covid-19 được không?
Trả lời câu hỏi này TS. lương y Phùng Tuấn Giang khẳng định, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cụ thể về việc yến sào có tác dụng phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, với những công dụng tốt cho sức khỏe của yến sào có thể được sử dụng để nâng cao đề kháng giúp ngăn ngừa tác nhân gây bệnh và phục hồi sức khỏe sau khi mắc Covid-19.
“Do nhu cầu cao và có giá trị nên yến sào là sản vật thường bị làm giả như pha trộn thêm các tạp chất như da cá, nấm, tảo… để tăng trọng lượng, hay sử dụng các loại hóa chất để tạo hình, tẩm hương vị…
Ảnh minh hoạ |
Bởi vậy, khi mua yến, chúng ta nên lựa chọn cơ sở uy tín, hoặc mua yến thô (yến chưa làm sạch – còn lông) với những đặc điểm: Tổ yến già, sợi yến nổi rõ, sạch, ít tạp chất và lông bám trên tổ yến. Cẩn trọng với những mặt hàng giả và mặt hàng kém chất lượng (có hàm lượng kim loại nặng cao)… bởi có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, TS. lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Ths.Bs Hoàng Mạnh Ninh nhấn mạnh, tổ yến không phải là thuốc để điều trị Covid như một số người nhầm tưởng.
“Hiện nay, những mặt hàng này đang bị quảng cáo, tâng bốc một cách thái quá, giá thành cũng vì vậy bị đẩy lên rất cao. Chưa kể đến việc mọi người đều sử dụng hình thức mua bán online, rất nhiều người đã mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, gây tác hại không nhỏ đến cho sức khỏe người sử dụng. Có những phản ánh về tổ yến giả, làm bằng cao su hoặc bằng bột, hoặc đông trùng hạ thảo giả, xác khô ko còn giá trị”, Ths. BS Hoàng Mạnh Ninh cho hay.
Bác sĩ Ninh khuyến cáo mọi người không nên mù quáng tin rằng các thực phẩm như yến sào, đông trùng hạ thảo có tác dụng chữa trị Covid-19.
Khi chưa có y văn nào ghi nhận hay công trình nghiên cứu khoa học công bố thì cần phải hết sức cân nhắc về mọi lời đồn thổi. Bản chất đây là những món đồ dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe.
Cho rằng người dân không nhất thiết phải săn lùng bằng được tổ yến, TS. lương y Phùng Tuấn Giang cũng nhấn mạnh, ngoài yến còn nhiều vị thuốc quý khác có tác dụng nâng cao sức khỏe, tăng miễn dịch có thể sử dụng để hỗ trợ như sâm Ngọc Linh, nhân sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo… và các bài thuốc y học cổ truyền dùng để phòng bệnh, điều trị bệnh cũng như bổ khí huyết ngũ tạng hư sau khi mắc bệnh...
“Tốt nhất nên có sự thăm khám và tư vấn của thầy thuốc để có pháp phương phù hợp giúp việc phòng bệnh, chữa bệnh được toàn diện và hiệu quả”, TS. BS lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, BS Hoàng Mạnh Ninh lại khuyến cáo, mọi người chỉ cần quan tâm 80% đó là đảm bảo dinh dưỡng ở mức độ hợp lý: Có gì dinh dưỡng ăn cũng được, không kiêng khem, không cầu kì tránh lãng phí mà ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế trong mùa dịch.
“Bên cạnh đó ta uống nhiều nước, bổ sung các vitamin đơn thuần, tập thể dục, mở cửa thông thoáng... cũng như cần nghiêm túc thực hiện tuân thủ cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và thực hiện theo khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế”, BS Ninh cho hay.
N. Huyền
F0 vượt qua cửa tử, chia sẻ bài tập thở phục hồi
9 ngày đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi nhưng khi SpO2 tụt nhanh thì anh Sơn phải gắn với máy tạo oxy để thở. Sau khi vật vã vượt qua cửa tử, anh tập cai oxy, vận dụng bài tập thở để phục hồi