Quảng Nam: Sư cô nhập viện vì pate Minh Chay, 3 bệnh nhân cũ phục hồi rất chậm
Sáng 5/9, trao đổi PV, bác sĩ Trần Công Ân – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, 3 trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm vi khuẩn Botulinum từ pate Minh Chay có phần đỡ hơn song không nhiều.
Theo bác sĩ Ân, các dấu hiệu ngộ độc của 3 bệnh nhân lâu hồi phục song tình trạng cũng không có chiều hướng xấu đi. Các triệu chứng như: mệt, khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, yếu cơ… có phần thuyên giảm nhưng không nhiều. Bệnh nhân có thể ngồi dậy, nói chuyện được nhưng lười nói vì cơ thể còn mệt.
Một trong số 3 bệnh nhân đang theo dõi, điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Nguyễn Bửu Thuyên) |
Bác sĩ Ân cũng cho biết, hôm qua bệnh viện cũng ghi nhận thêm một trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm vi khuẩn Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay. Bệnh nhân là một sư cô ở thị xã Điện Bàn và không có quan hệ, quen biết với nhóm 3 bệnh nhân mà bệnh viện đang điều trị.
Như đã đưa tin, sau khi được cho một hộp pate Minh Chay, chiều 27/8, chị L.T.V.K. (SN 1990, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) làm 2 ổ bánh mỳ cho 4 người ăn và chia sẻ cho vài người nữa mang về nhà sử dụng.
Đến trưa 1/9, chị K. và bà V.T.H. (SN 1955, trú phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đều có cảm giác mệt, khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng, yếu cơ nên đến bệnh viện cấp cứu.
Còn em N.T.N. (SN 2005, trú phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng có triệu chứng tương tự và nhập viện vào ngày 2/9.
Sản phẩm pate Minh Chay mà các bệnh nhân sử dụng (Ảnh: Nguyễn Bửu Thuyên) |
Liên quan đến vụ việc này, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát trên thị trường và chủ động thu hồi pate Minh Chay cùng 12 sản phẩm khác của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (TP Hà Nội).
Sở Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần thông tin cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng tạm thời không mua và không sử dụng các sản phẩm của công ty trên.
Sơn Tùng