Kháng thể thấp sau 3 tuần tiêm mũi vắc xin thứ 2 có đáng lo?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, ông liên tục nhận được các cuộc điện thoại hỏi về việc kháng thể sau nhiễm Covid-19 rồi kháng thể sau tiêm vắc xin thấp có đáng lo không
Hàng ngày, nhiều người hỏi bác sĩ rằng “bác sĩ ơi, con đã chích đủ 2 mũi vắc xin rồi, xét nghiệm kháng thể thấp có sao không? Hay Em đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng xét nghiệm thấy kháng thể thấp, có cần tiêm thêm vắc xin không? Sau tiêm 2 mũi vắc xin ba em đã làm xét nghiệm là 1100AU/mL., nhưng em tiêm vắc xin khác chỉ có 600AU/ml…
Bác sĩ Khanh cho rằng kháng thể sau tiêm vắc xin cao hay thấp không cần quá lo. Theo bác sĩ Khanh, người dân không cần tốn tiền làm xét nghiệm kháng thể vì việc xét nghiệm này chỉ dành cho người làm nghiên cứu. Những người đã tiêm vắc xin hay đã mắc Covid-19 thì kháng thể có thể bảo vệ trong 6 tháng, sau 6 tháng tính tiếp.
Kháng thể là loại protein được tạo ra bởi vật chủ khi bị nhiễm virus. Khi tế bào miễn dịch tiếp xúc với các protein của virus hay còn gọi là kháng nguyên thì sẽ tạo ra những kháng thể để “nhận dạng” chúng rất đặc hiệu. Kháng thể sẽ bám lên những kháng nguyên này, bất hoạt chúng và dẫn dụ các tế bào miễn dịch khác đến để tiêu diệt kẻ xâm nhập.
Do vậy, khi việc một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên thì cơ thể sẽ tạo ra nhiều loại kháng thể để nhận biết không những protein S mà còn các loại protein khác nữa của virus như protein N.
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA, tiêm vắc xin là việc đưa kháng nguyên vào người để kích thích hệ miễn dịch thì phải tạo được phản ứng miễn dịch sinh ra kháng thể “nhận biết” đặc hiệu kháng nguyên đó.
Thông thường, sau tiêm mũi 2 khoảng 3 tuần xét nghiệm kiểm tra kháng thể, việc xét nghiệm quá lâu sau 3-6 tháng có thể làm giảm lượng kháng thể. Việc giảm kháng thể nhanh hay chậm tùy thuộc vào loại vắc xin và tùy vào thể trạng của người được tiêm.
Có nhiều loại kháng thể trong các xét nghiệm như IgG, IgA hoặc IgM, trong đó IgG là kháng thể tồn tại lâu nhất, do vậy, bạn nên chọn xét nghiệm kháng thể IgG để dễ thấy kháng thể hơn.
Trong trường hợp không tìm thấy kháng thể sau 3 tuần tiêm vắc xin là điều đáng lo ngại, có nguy cơ cao vắc xin không hiệu quả - TS Vũ cho biết.
Ảnh minh hoạ. |
Lượng kháng thể thấy được trong máu cao bao nhiêu là an toàn đến nay vẫn chưa rõ. Hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được ngưỡng kháng thể kháng virus được tạo ra bởi vắc xin “tối thiểu” bao nhiêu là an toàn.
Đây cũng là lý do chính mà các chuyên gia đưa ra lời khuyên là đừng dựa vào chỉ số này mà vội tự đánh giá tình trạng mình được bảo vệ tốt mà chủ quan, mất cảnh giác phòng dịch, nên vẫn cẩn thận tối đa khi có thể. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể này càng cao thì càng bảo vệ tốt.
Đối với người có kháng thể sau nhiễm Covid-19, TS Vũ cho rằng việc nhiễm virus “thật” đã kích hoạt hệ miễn dịch một cách “toàn diện” hơn qua việc chúng xâm nhập vào tế bào, tương tác với vô số con đường truyền tín hiệu trong tế bào, tế bào miễn dịch cũng tiếp xúc với nhiều loại kháng nguyên khác nhau cả trong và ngoài con virus.
Quá trình này khác hẳn với việc tiêm vắc xin, khi mà các tế bào miễn dịch chỉ biết con virus thật qua 1 mảnh kháng nguyên là protein S, hoặc 1 con virus đã chết. Không nên so sánh kháng thể của người đã nhiễm bệnh Covid-19 tự nhiên với người đã tiêm vắc xin Covid-19.
Về vấn đề kháng thể sau tiêm vắc xin, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các khu vực, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai nhiều phương thức xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó chủ yếu sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện các trường hợp mắc Covid-19.
K.Chi
Các lý do cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, từ ngày 27/10, Quận 1 và huyện Củ Chi sẽ khởi động tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em, sau đó là toàn TP.HCM.
Vì sao sau tiêm vắc xin nhiều phụ nữ bị rụng tóc, 'chậm' chu kỳ?
Sau tiêm vắc xin Covid-19, nhiều phụ nữ cho biết có những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, rụng tóc…