Hoại tử chân chỉ vì cách chữa bỏng nhiều người làm
Bị bỏng do vô ý đánh đổ nước sôi vào vùng đùi nhưng nữ bệnh nhân ở Hà Giang không đến bệnh viện điều trị mà tự mua kháng sinh uống kết hợp đắp thuốc lá.
Chân hoại tử, chảy dịch hôi tanh chỉ vì cách chữa bỏng nhiều người làm (Ảnh BVCC) |
Sau 4 ngày đắp thuốc lá, vùng mặt trước hai đùi bị nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng đau nhức nhiều, hạn chế vận động hai chi dưới, vùng mặt trước đùi trái, đùi phải vết bỏng độ II,III, chảy dịch vàng, lở loét. Phía trên có vùng da bị hoại tử đen, chảy dịch hôi, tanh, sốt rét run trên 38 độ.
Bệnh nhân cho biết sau khi đắp thuốc lá điều trị tại nhà 4 ngày sau khi bị bỏng bệnh nhân đau nhức nhiều vùng bị bỏng, sốt cao, vùng bị bỏng có mùi hôi nên gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được sát khuẩn chuyển phẫu thuật làm sạch vết thương, dùng thuốc giảm đau, chống sốc.
Bác sĩ trực tiếp tiếp nhận và thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị bỏng ở mức độ II, III nếu sau khi bị bỏng đến bệnh viện xử lý vết thương ngay thì thời gian phục hồi sẽ nhanh chóng, tránh các biến chứng nguy hiểm. Nhưng do không được điều trị đúng cách bệnh nhân hiện tại bị nhiễm trùng nặng vùng mặt trước hai đùi.
Hiện tại bệnh nhân đang được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức cấp cứu - BVĐK Hùng Vương.
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị biến chứng do chữa bỏng theo cách dân gian. BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng, BV Xanh pôn cho biết, có rất nhiều những sai lầm khi bị bỏng mà rất nhiều người mắc phải.
Đầu tiên phải kể đến thói quen bôi kem đánh răng, mỡ trăn hay dội nước đá lên vết bỏng là hoàn toàn sai lầm. Những cách như vậy không giúp cấp cứu bỏng nhiệt hiệu quả mà còn làm tình trạng nặng hơn.
Ngoài ra nhiều người khi bị bỏng lại chườm đá, lấy nước đá lạnh dội vào một phần cơ thể khi bị bỏng. BS Nguyễn Thống cho rằng “đây là việc làm vô cùng nguy hiểm”. Lý do vì nhiệt độ của nước đá thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều. Thậm chí, nếu bỏ nhiều đá trong nước có thể xuống gần 0 độ C. Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ có thể lên đến 45 đến 50 độ C. Nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh sẽ làm tình trạng tổn thương bỏng nặng hơn.
Một sai lầm khác nhiều người mắc phải cũng được BS Thống chỉ ra đó là việc chọc vỡ, bóc vết bỏng; dùng tinh dầu (dầu dừa và dầu oliu) để chữa bỏng. Tuy nhiên, theo BS Thống dầu giữ nhiệt, ngăn không cho sức nóng từ vết bỏng thoát ra. Tuy nhiên, đây là một sai lầm vì giữ nhiệt có thể khiến vết bỏng nặng thêm.
Trong khi đó, một số người dùng lòng trắng trứng sống, dùng các loại lá, thậm chí cả mỡ trăn bôi lên vết bỏng sẽ giúp dịu đau. Tuy nhiên, đây đều là những cách làm thiếu cơ sở khoa học, tiềm ẩn nhiều rủi do.
Dù các bác sĩ liên tục đưa ra lời cảnh báo đến người dân về các trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp lá thuốc điều trị, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người quá tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của đắp lá thuốc. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài.
Do đó, để hạn chế những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay, có thể tránh các biến chứng nguy hiểm. Những trường hợp không được điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng tại vị trí bỏng, dễ nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bệnh nhân bị bỏng, việc đầu tiên là cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, ngâm vết bỏng trong nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh), việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.
Nếu có bọng nước, kết vảy thì không nên bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị.
N. Huyền