Hà Nội: Người trên 65 tuổi sẽ tiêm vắc xin Covid-19 ở đâu, khi nào?
Hà Nội đang tiêm vét cho những đối tượng thuộc nhóm ưu tiên tuyến đầu. Nhóm đối tượng trên 65 tuổi sẽ tiêm tại bệnh viện, có thể tháng sau hoặc tháng sau nữa chứ không phải không tiêm.
Hà Nội không “loại” người trên 65 tuổi trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid- 19 (ảnh minh hoạ) |
Hà Nội sẽ tiêm cho người 65 tuổi
Hiện nhiều ý kiến thắc mắc vì sao Hà Nội lại “loại” nhóm đối tượng trên 65 tuổi trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid- 19 đang được triển khai, trong khi Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hay một số tỉnh thành lại làm ngược lại.
Trả lời câu hỏi này với phóng viên Infonet, PGĐ CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khẳng định Hà Nội không phải là không tiêm cho nhóm này mà hiện nay, Thành phố đang triển khai tiêm vét cho những lực lượng tuyến đầu.
“Ngay thời điểm này chưa tiêm cho nhóm đối tượng trên 65 bởi vì hiện nay các lực lượng khác đang tham gia chống dịch, tuyến đầu (thuộc nhóm ưu tiên theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ) Hà Nội vẫn chưa tiêm hết.
Họ là nhóm đối tượng thường xuyên phải giao lưu với người dân cho nên phải tiêm xong nhóm đối tượng này mới đến các cụ từ 65 tuổi trở lên. Chứ không phải Hà Nội không tiêm cho người từ 65 tuổi trở lên”, ông Tuấn khẳng định.
Theo PGĐ CDC, những người trên 65 tuổi thường là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc người dân cao tuổi, “giao lưu rất ít, chủ yếu ở nhà nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất thấp”.
“Do đó mình tiêm hết cho nhóm nguy cơ cao trước rồi mới chuyển đến nhóm này.
Đối với nhóm đối tượng trên 65 tuổi sẽ triển khai tiêm tại bệnh viện, có thể tháng sau hoặc tháng sau nữa sẽ tiêm ngay chứ không phải không tiêm.
Gọi là theo thứ tự ưu tiên là vì thế - vừa căn cứ đối tượng chính sách nhưng cũng vừa căn cứ vào những đối tượng có nguy cơ”, ông Khổng Minh Tuấn nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của báo chí trước đó: có phải để đảm bảo an toàn thành phố đã không đưa nhóm đối tượng trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính vào danh sách tiêm chủng đợt này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng.
“Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu.
Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Tiêm hết vắc xin Moderna, Pfizer mới chuyển sang Astra Zeneca, mỗi thời điểm chỉ tiêm một loại
Nhằm triển khai chiến dịch tiêm chủng “lớn nhất trong lịch sử”, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có công văn khẩn số 255 về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin Covid- 19 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Sở quyết định phân bổ hơn 626.000 liều vắc xin Covid-19 của Moderna, Pfizer và AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố.
Trong đó, với vắc xin Moderna, Hà Nội phân bổ cho quận Hoàn Kiếm 7.980 liều; Ba Đình: 6.020 liều; Đống Đa: 5.208 liều...
Với vắc xin AstraZeneca, quận Đống Đa được phân bổ hơn 25.600 liều; quận Long Biên: 22.440 liều; quận Hai Bà Trưng: 20.580, quận Thanh Xuân và Cầu Giấy mỗi quận gần 20.000 liều...
Ngoài ra, phân bổ 2.340 liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162b2 (Comirnaty) của Pfizer cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình và CDC Hà Nội.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 các đợt tiếp theo căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vắc xin Covid-19 được phân bổ bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng, khẩn trương và tổ chức tiêm ngay sau khi nhận được vắc xin. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng căn cứ theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ.
Công văn cũng nêu rõ, đối với vắc xin phòng Covid-19 BNT162b2 (Comirnaty) của Pfizer có thể sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm đồng ý và tiêm mũi 1 cho những người chưa được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, vắc xin đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.
Đối với vắc xin phòng Covid-19 Spikevax (Covid-19 vaccine Moderna), thực hiện tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, vắc xin đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 30 ngày.
Đối với vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca thực hiện tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca bảo đảm khoảng cách ít nhất 8 tuần. Trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi vắc xin sớm, có thể thực hiện tiêm trả mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.
Các đơn vị triển khai tiêm hết loại vắc xin Moderna và vắc xin Pfizer (nếu được phân bổ) mới chuyển sang vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả, xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, tránh hao phí vắc xin và sử dụng hết vắc xin trước hạn sử dụng.
Sở Y tế cũng yêu cầu, tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vắc xin ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm chủng.
“Ngay từ bây giờ, mọi người có thể đăng ký tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo 2 cách.
Một là, người dân có thể đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khỏe điện tử";
Hai là đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vắc xin.
Bất kể ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng, chúng tôi sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng, xem ai tiêm ở đâu. Khi căn cứ vào phiếu đăng ký, tình hình sức khỏe của từng người, chúng tôi sẽ phân loại, có người tiêm ở các điểm tiêm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện”, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà hướng dẫn.
N. Huyền