Hà Nội đối diện nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng
“Hành vi tụ tập đông người là nguy hiểm nhất, vì khi đã tụ tập đông người thì việc thực hiện 5K là rất khó. Vì thế cần hạn chế việc này tối đa”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo.
Huyện Quốc Oai tăng cường các biện pháp phòng dịch |
Chỉ trong ít ngày, Hà Nội liên tiếp xuất hiện những ổ dịch mới với diễn biến phức tạp. Ổ dịch Quốc Oai với ca bệnh đầu tiên được ghi nhận từ ngày 24/10, đến nay, huyện Quốc Oai ghi nhận tổng số 55 ca mắc Covid-19, trong đó 34 ca thường trú tại huyện, 8 ca tại địa phương khác.
Đáng lưu ý, các ca mắc Covid-19 tại huyện Quốc Oai đã lan rộng ra các địa bàn: Thị trấn Quốc Oai, các xã Liệp Tuyết, Sài Sơn, Đông Yên, Cấn Hữu, Phượng Cách.
Hiện nay, lực lượng chức năng của huyện và các địa phương đã điều tra truy vết và đưa đi cách ly y tế tập trung 501 trường hợp F1, ra quyết định cách ly tại nhà 2.670 trường hợp F2, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà gần 5.000 trường hợp F3.
Huyện cũng ra quyết định phong tỏa 9 khu dân cư, nơi có F0 sinh sống, gồm 208 hộ gia đình với 832 nhân khẩu.
Tiếp đến là ổ dịch ở thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng huyện Mê Linh. Ngày 27/10 đã ghi nhận 16 ca cộng đồng. Khởi phát là 3 bệnh nhân nam, đều ở thôn Bạch Trữ có tiền sử tiếp xúc với 1 trường hợp test nhanh dương tính (người từ Hà Giang về đám hiếu tại Mê Linh). Ngày 26/10 cả 3 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Sau đó, 3 bệnh nhân nam cùng trú tại thôn Bạch Trữ là người đi đám hiếu tại thôn (ngày 23 và 24/10). Ngày 26/10, cả 3 người họ được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Ca bệnh chỉ điểm của chùm ca bệnh này là bệnh nhân Đ.V.H, SN 1964, địa chỉ ở thôn Bạch Trữ, sống tại Hà Giang. Ngày 23/10 anh này về Hà Nội. Ngày 23-24/10 anh này đi đám ma tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Đánh giá về tình hình dịch ở Quốc Oai, ông Hoàng Nguyên Ưng, phó chủ tịch huyện cho biết, dịch đang diễn biến phức tạp. Do đó, lãnh đạo huyện đề nghị người dân thưc hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Người dân khi tiếp xúc với trường hợp mắc Covid-19 cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, thị trấn nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp phòng dịch, không để lây lan xung quanh…
Trao đổi với phóng viên Infonet trước diễn biến mới về tình hình dịch ở Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc xuất hiện các ổ dịch mới những ngày gần đây ở Hà Nội là điều bình thường.
Lý do là bởi vì Thành phố đã mở cửa, các hoạt động đã gần như bình thường. Điều này cũng khiến dịch có thể lây lan.
“Việc bỏ giãn cách đòi hỏi ý thức của người dân rất lớn. Theo đó người dân từ các vùng dịch về phải theo dõi y tế tại nhà, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc với người khác, không đến chỗ đông người, khai báo y tế”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, với những người không đến từ vùng dịch đã tiêm vắc xin thì cũng vẫn cần phải tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo 5K mà Bộ Y tế đã đưa ra (khoảng cách, khai báo y tế, khẩu trang, khử khuẩn và không tập trung đông người).
“Mặc dù Hà Nội đã xuất hiện những ổ dịch mới nhưng hầu hết đã tiêm vắc xin (độ tuổi từ 18 trở lên) nên bệnh nặng khả năng sẽ ít đi, nhưng nguy cơ dịch lan rộng là có.
Nếu không thực hiện tốt 5K, cứ tụ tập, không khẩu trang… không tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều cá nhân, chính quyền phường xã, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, nhà hàng không đẩy mạnh công tác phòng dịch, lơ là coi như đã hết dịch thì rất nguy hiểm. Khả năng dịch lan rộng là có. Vì chúng ta không biết dịch nằm ở đâu”, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng cảnh báo.
Do đó, PGS TS Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm 5K trong đó đặc biệt lưu ý việc tụ tập.
“Cần hạn chế việc tụ tập. Hành vi tụ tập đông người là nguy hiểm nhất, vì khi đã tụ tập thì việc thực hiện 5K là rất khó. Hàng quán cấm, người ta mua mang về nhà nhậu, thậm chí thanh niên thuê khách sạn, nhà nghỉ để tụ tập thì nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có) rất lớn”, PGS. TS Hùng nhấn mạnh.
N. Huyền
Hà Nội bao giờ sẽ tiêm vắc xin cho trẻ, nhóm trẻ nào được ưu tiên tiêm trước?
Hà Nội dự kiến sẽ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12- 17 tuổi vào cuối năm nay. Trong trường hợp không đủ vắc xin, sẽ tiêm từ độ tuổi cao đến thấp.
Dấu hiệu, độ nguy hiểm do viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ em
Một số báo cáo ghi nhận trẻ tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 có tỷ lệ nhỏ bị viêm cơ tim xuất hiện 1 tuần sau tiêm chủng.
Ba cách cha mẹ cần nhớ để bảo vệ trẻ khi chưa được tiêm phòng Covid-19
Theo các chuyên gia, trẻ em nhiễm bệnh Covid-19 ít bị nặng hơn so với người lớn, nhưng trẻ em vẫn là nguồn lây nhiễm gây bệnh cho những người trong gia đình, cho các bạn trong lớp.