Dấu hiệu, độ nguy hiểm do viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ em
Một số báo cáo ghi nhận trẻ tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 có tỷ lệ nhỏ bị viêm cơ tim xuất hiện 1 tuần sau tiêm chủng.
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết đến nay vắc xin được chọn để tiêm cho trẻ từ 12 – 18 tuổi tại Việt Nam là vắc xin Pfizer. Các nghiên cứu chỉ ra rằng vắc xin này an toàn với trẻ và hiệu quả bảo vệ cao.
So với người lớn, trẻ nhỏ cũng có thể có các phản ứng sau tiêm chủng như đau tại vết tiêm, các phản ứng toàn thân sau tiêm trẻ thấy mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn. Những tác dụng không mong muốn này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày.
Sau tiêm, trẻ sẽ phải ở lại điểm tiêm theo dõi ít nhất 30 phút. Tại điểm tiêm, nếu trẻ có phản ứng thì sẽ được xử trí ngay. TS Thái cho rằng các tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm rất hiếm.
Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý tới các phản ứng bất lợi sau tiêm trong vòng 1 tuần đầu cho cả 2 mũi tiêm. Trong thời gian này, trẻ cần được theo dõi về sức khỏe, phát hiện sớm các bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm. Nếu phát hiện sớm sẽ được cơ sở y tế xử lý tốt không ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Nếu không theo dõi sát sao mà phát hiện muộn hậu quả không thể lường trước.
Mặc dù vậy, nếu so sánh phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin với tỉ lệ biến chứng do nhiễm Covid-19 thì tỷ lệ này vô cùng thấp, lợi ích tiêm chủng vẫn lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ khi mắc bệnh.
TS Thái khẳng định, mặc dù chúng ta cần có thêm thời gian đánh giá trong việc triển khai tiêm vắc xin này với trẻ em Việt Nam như thế nào, nhưng ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay, biến chủng Delta lây lan nhanh thì tiêm vắc xin vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em.
Quận 1, TP.HCM tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 18 tuổi. |
Biến chứng lo ngại nhất sau tiêm vắc xin cho trẻ em đó là biến chứng viêm cơ tim. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ở trẻ tiêm vắc xin tỷ lệ viêm cơ tim khoảng 1/20.000, tức là trong 20.000 trẻ đi tiêm mới có 1 trẻ có thể bị viêm cơ tim và tỉ lệ này cao hơn ở mũi tiêm thứ 2.
Do chưa đủ các bằng chứng kết luận về hậu quả, việc tiếp tục theo dõi các trường hợp viêm cơ tim trong tương lai là rất cần thiết để hiểu rõ về cơ chế của bệnh. Một lý do khác là các biến chứng hay gặp ở các quốc gia đang có dịch lưu hành, do đó khả năng trùng hợp viêm cơ tim do nhiễm COVID-19 là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, nếu trẻ không may bị phản ứng bất lợi liên quan viêm cơ tim do vắc xin Covid-19 thì trẻ em lại đáp ứng rất tốt với thuốc điều trị đang có hiện nay. Kể cả trong trường hợp không may thì trẻ vẫn có thể được điều trị, hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng sau đó.
BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám Đốc Bệnh Viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tất cả vắc xin ngừa Covid-19 hiện nay không phải là vắc xin sống giảm độc lực mà vắc xin bất hoạt, vắc xin tiểu định vị, vắc xin công nghệ mRNA. Về nguyên tắc, trẻ tiêm vắc xin này an toàn.
Vắc xin Covid-19 khi tiêm cho trẻ cần theo dõi ngoài 48 tiếng đầu, cần theo dõi thêm 1 tuần. Có thể trong 1 tuần vì tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ có thể có biến chứng viêm cơ tim nhưng biến chứng này rất là thấp.
Tác dụng phụ này ở các nước Châu Âu, Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới người ta thấy có tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em. Tỷ lệ này đối với mũi tiêm 1 rất thấp. Tỷ lệ giao động 40 – 60 trường hợp/1 triệu trẻ tiêm vắc xin nhưng sẽ tăng lên ở mũi 2 từ 90 – 120 trẻ/1 triệu trẻ tiêm 2 mũi.
Biến chứng này có thể xảy ra 1 tuần sau đó nên cần theo dõi tình trạng sức khoẻ của trẻ 1 tuần sau tiêm. Các trường hợp này đều biểu hiện nhẹ, trẻ có thể mệt, đánh trống ngực, vã mồ hôi, có biểu hiện chức năng tim giảm. Đa số các trường hợp này tự khỏi, điều trị nhẹ nhàng.
Cũng theo TS Phạm Quang Thái, theo văn bản dự thảo xin ý kiến các chuyên gia, tới đây vắc xin Covid-19 có thể sẽ được đưa vào danh sách các vắc xin bắt buộc phải tiêm chủng như các vắc xin có trong Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, khi đó mọi người đều cần phải được tiêm chủng mới có thể tham gia một số hoạt động tập thể.
K.Chi
Ba cách cha mẹ cần nhớ để bảo vệ trẻ khi chưa được tiêm phòng Covid-19
Theo các chuyên gia, trẻ em nhiễm bệnh Covid-19 ít bị nặng hơn so với người lớn, nhưng trẻ em vẫn là nguồn lây nhiễm gây bệnh cho những người trong gia đình, cho các bạn trong lớp.
Ngày đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Có 10 học sinh hoãn tiêm, hơn 1600 em đã được tiêm
Ngày đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi tại TP.HCM chỉ có 10 em phải hoãn tiêm vắc xin, trong đó 5 em đã dương tính trong vòng 6 tháng trước, 4 em bệnh nền, 1 tiền sử sốc phản vệ hơn 1600 em đã được tiêm.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ cần tránh 'hội chứng ngất dây chuyền'
Các chuyên gia cho rằng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em khác với người lớn, trẻ em có thể sợ hãi, la hét, không hợp tác khi tiêm, vì vậy, cần chuẩn bị kỹ tư tưởng trước khi cho trẻ đi tiêm để tránh 'hội chứng ngất dây chuyền'