'F0, F1 đi làm là chuyện bình thường'
Theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh lưu hành thì F0, F1 đi làm là chuyện bình thường.
Đây là quan điểm của PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng trước đề xuất của Bộ Y tế về việc cho F0, F1 được đi làm và có theo dõi sức khoẻ thay vì cách ly; F0 không triệu chứng có thể quay lại làm việc.
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất thời gian cách ly của F1 hiện nay là 5 ngày (tại nhà) với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều.
Với F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến, nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
F0, F1 đi làm là bình thường |
Đối với F0, Bộ Y tế đề xuất F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly 7 ngày và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính có thể quay lại làm việc trực tuyến; tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại gia đình, cơ sở lưu trú hoặc điều trị. Nếu tham gia làm việc tại cơ sở điều trị phải thực hiện 5K và phòng hộ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Hiện nay Chính phủ đã có lộ trình chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B - bệnh lưu hành thì F0, F1 đi làm là chuyện bình thường.
"Nhưng F0 ở đây phải hiểu là F0 không triệu chứng, không phải là bệnh nhân. F0 có 2 loại, 1 loại là không triệu chứng thì không được coi là bệnh nhân; 1 loại là F0 có triệu chứng thì không được đi làm là đương nhiên vì Luật Lao động không cho phép", TS. Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, đối với F0 không triệu chứng thì họ chỉ là người lành mang trùng chứ không phải bệnh nhân thì họ có thể đi làm, với điều kiện họ phải đảm bảo không lây lan ra cộng đồng, không lây lan sang người khác và họ đảm bảo sức khoẻ để làm việc chứ nếu họ là bệnh nhân thì không đi làm được. Sắp tới sẽ bỏ khái niệm F0, F1 mà chỉ có khái niệm người bệnh và người nghi nhiễm. Tương lai chỉ quan tâm tới người có triệu chứng, người vào bệnh viện.
TS. Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc cho phép F0, F1 đi làm các địa phương nên áp dụng điều này vì thiếu nhân lực và nhiều người không có triệu chứng, đủ điều kiện sức khoẻ để làm việc nên nếu không cho phép có thể họ vẫn giấu bệnh, không khai báo để đi làm.
"Người lao động vẫn phải lĩnh lương, không đi làm không có thu nhập nên họ giấu còn nguy hiểm hơn. Ở đây rõ ràng mình biết họ là mang virus trong người thì mọi người có biện pháp phòng tránh chứ nếu họ im lặng, giấu tình trạng để đi làm thì có nguy cơ lây lan hơn", TS. Nguyễn Huy Nga nêu.
Bên cạnh đó, để phòng dịch thì những người này cần đảm bảo 5K tại nơi làm việc. Ví dự như bác sỹ, nhân viên y tế đi làm phải tránh người bệnh nặng, có nguy cơ cao, phải mặc quần áo bảo hộ...; còn công nhân nạo mủ cao su, người nông dân đi cày cấy hoặc người làm việc ngoài đường như công nhân vệ sinh vẫn có thể đi làm nếu sức khoẻ bình thường và thực hiện 5K đầy đủ.
N. Huyền