Đi lại trong dịp Tết dương lịch cần tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K
Sắp tới nhu cầu đi lại về quê hoặc đi chơi trong dịp nghỉ Tết dương lịch tăng cao, nhiều gia đình rục rịch chuẩn bị cho cả nhà chuyến nghỉ ngơi sau nhiều tháng căng thẳng vì Covid-19.
Bộ Y tế đã có công văn gửi các địa phương, theo đó, căn cứ vào số ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn, cùng với sự lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường của biến chủng Omicron.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị: Xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn tranh thủ thời gian nghỉ Tết dương lịch vài ngày để cả gia đình có thể về quê, đi chơi.
Chị Nguyễn Thanh Hà – Nam Trung Yên, Hà Nội chia sẻ, cả nhà chị từ đầu năm tới nay chưa đi tới đâu chơi, trẻ con đều ở nhà suốt. Thời gian trước thì quê nội ở Bắc Giang, quê ngoại ở Bắc Ninh dịch bệnh xong lại tới Hà Nội. Vì nhà có người mắc bệnh mãn tính nên việc đi lại về thăm quê rất hãn hữu. Nhìn những đứa trẻ “phát cuồng” vì ở nhà suốt chị Hà cũng xót.
Tết dương lịch, chị Hà dự tính mua tour du lịch ngắn ngày cho con đi nghỉ ngơi cũng là thời điểm vừa kết thúc mùa thi. Tuy nhiên, một số tỉnh phía Bắc bắt đầu siết chặt người Hà Nội tới nên việc đi lại cũng khó khăn hơn, bọn trẻ phải có test PCR sẽ tốn thêm khoản tiền hơn nữa cũng thêm lo ngại vì còn thuê xe, đi lại phức tạp.
Ảnh minh hoạ. |
Còn chị Đỗ Thuý Hằng – Ba La, Hà Đông, Hà Nội cho biết, quê ở Hà Tĩnh và cũng rất lâu chị chưa về quê bởi vì đi lại khó khăn, lo lắng dịch bệnh. Chị Hằng chưa có xe riêng. Chị dự định Tết dương lịch hai vợ chồng sẽ đặt vé tàu hoặc xe khách về thăm người thân ở quê nhưng 1 tuần nay số ca mắc ở Hà Nội liên tục tăng nên kế hoạch cần xem xét lại. Nếu ở gần có thể thuê xe cá nhân tự về nhưng vì ở quá xa nên chỉ đi được phương tiện giao thông công cộng.
Nhiều tỉnh thành cũng có quy định hạn chế người dân đi khỏi địa phương ví dụ như tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết; tuyên truyền, vận động, thông tin đến người thân trong gia đình đang học tập, làm việc ngoài tỉnh hạn chế đi/về tỉnh.
Các trường hợp đến/về tỉnh Vĩnh Phúc phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và làm xét nghiệm, có kết quả âm tính SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương, gia đình.
Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không ra tỉnh ngoài, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ. Người dân đi lại, vui chơi tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bắc Giang cũng kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi địa bàn dịp Lễ, Tết để giảm thiểu lây nhiễm dịch bệnh. Địa phương khuyến khích doanh nghiệp duy trì sản xuất dịp Tết Dương lịch, rút ngắn thời gian nghỉ Tết Âm lịch, giữ chân công nhân ở lại, không về quê. Tiền lương lẫn phúc lợi cho người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, Bộ Y tế cho rằng dịp lễ đi lại nhiều thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất lớn. Vì vậy người dân có nhu cầu đi lại cần cân nhắc thật kỹ.
PGS Phu cho rằng khi đi lại, môi trường trong xe khách là môi trường kín, nguy cơ lây nhiễm cao. Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đã có hướng dẫn phòng Covid-19 đối với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu đi lại như vậy bạn vẫn cần thực hiện tốt 5K.
Nếu trên xe chẳng may có F0 thì cơ quan y tế sẽ thông báo cho bạn, luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi lên xe, rửa tay sát khuẩn khi nghi ngờ tay tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm Covid-19, sau khi xuống xe. Khi ngồi trên xe hạn chế nói chuyện, không ăn uống…
Khi về tới nhà bạn cần cởi bỏ quần áo tắm rửa trước khi tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin.
Không nên đến để thăm hỏi xã giao, nhất là khi gia đình đang có người già, có bệnh nền. Khi nói chuyện vẫn mang khẩu trang, ngồi xa giữ khoảng cách, hạn chế bắt tay, ôm ấp chào hỏi.
Theo khuyến cáo của WHO, khi có khách đến thăm, gia định nên tiếp khách ở nơi có môi trường thông thoáng, sau khi khách về lau chùi khử khuẩn các khu vực khách có tiếp xúc.
K.Chi
Tết cận kề, chuyên gia cảnh báo những việc cần tránh nếu không muốn lây nhiễm Covid-19
Các dịp Lễ, Tết cận kề, người dân nên hạn chế đi lại. Nếu bắt buộc về quê nên có các biện pháp phòng dịch, nên ưu tiên phương tiện cá nhân. Ví dụ về quê thắp hương nhưng không thăm hỏi nhau, không tụ tập ăn uống…
Thuốc Monulpiravir 'cháy' trên chợ đen, giá tăng từng ngày dù bị cấm bán
Thuốc điều trị kháng virus Monupiravir được Bộ Y tế cấp phép cho F0 sử dụng để đào thải nhanh virus và được cấp qua hệ thống y tế, nhưng trên thị trường thuốc này vẫn bán nhiều và giá tăng từng ngày.