Ca mắc Covid-19 ở Hà Nội liên tục tăng, làm gì tránh thành F0?
Khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ dẫn tới nhiều trường hợp diễn biến nặng không được tiếp cận với y tế, tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng...
Tính từ ngày 11/10- giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 đến 18h ngày 15/12, TP Hà Nội ghi nhận hơn 17.400 ca mắc Covid-19, trung bình hơn 270 ca/ngày), trong đó gần 6.700 ca ngoài cộng đồng, chiếm hơn 38%. Đáng chú ý, số ca mắc mới trong ngày 14/12 là 900 ca thì đến ngày 15/12 đã tăng lên mức gần 1.400 ca.
Ca bệnh có thể tiếp tục tăng
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khi TP thực hiện nới lỏng, sống chung an toàn với Covid-19 thì việc tăng số ca bệnh là điều dễ hiểu.
Ông dự báo số ca bệnh tại Hà Nội có thể “tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”. “Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, thành phố cũng cần sớm kiểm soát tình hình, không để số ca tăng cao hơn nữa, nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra", TS Phu nhấn mạnh.
Lý giải số ca gia tăng, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Vì thế, trong giao tiếp, tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không.
Bên cạnh đó, những hoạt động tập trung đông như người như liên hoan, đám tang, đám cưới... sẽ là môi trường rất tốt để SARS-CoV-2 lây lan.
Ảnh minh họa. |
Theo ông, khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ. Hậu quả là nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao.
Mặc dù đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ phủ vắc xin ở Hà Nội khá cao, đa số các ca bệnh của Thành phố chỉ diễn biến nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cả chính quyền và người dân không nên lấy lý do tiêm vắc xin đủ để chủ quan.
“Bởi vì, không phải 100% người dân tiêm đủ liều vắc xin sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vắc xin, số lượng này không lớn nhưng vẫn có.
Ngoài ra, khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. Lấy một ví dụ đơn giản để hình dung, nếu như trước khi tiêm vắc xin 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỷ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỷ lệ tử vong”, PGS. TS Phu phân tích.
Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc 5K
Trước thực tế này, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, người dân cần thực hiện nghiêm túc 5K.
“Tôi luôn khuyến cáo người dân cần đảm bảo thực hiện 5K của Bộ Y tế trong bất cứ thời điểm nào. Việc nghĩ rằng đã tiêm vắc xin sẽ không mắc bệnh hoặc có mắc cũng chỉ ở thể nhẹ, từ đó buông lỏng việc bảo vệ bản thân là rất nguy hiểm. Việc tự ý thức, bảo vệ bản thân là rất quan trọng. Chúng ta luôn phải đề phòng trường hợp người bên cạnh, thậm chí bản thân mình, đang là F0", TS Phu nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, người dân nên hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động, địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ búa không an toàn, hội họp không an toàn...
Hà Nội cũng cần tiếp tục kiện toàn các cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. TP cần tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sao tất cả người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời.
Theo Sở Y tế Hà Nội, với các trường hợp F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà trước hết cần chuẩn bị những việc sau:
- Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe.
- Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
- Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như: Khẩu trang y tế dùng một lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng; dụng cụ cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm - giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
- Về các thiết bị theo dõi y tế, F0 điều trị tại nhà cần có: nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2); máy đo huyết áp; điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế; thùng rác thải y tế; túi thuốc điều trị tại nhà.
N. Huyền