Bác sĩ phát hoảng F0 uống 2 loại kháng sinh, kháng viêm cùng thành phần, mấy loại chống đông cùng lúc
Một số F0 có đủ thuốc nhưng lại uống thuốc kiểu truyền tai nhau, uống 2 loại kháng sinh cùng thành phần, uống luôn cả 2 loại kháng viêm, dùng cùng lúc mấy loại chống đông.
Uống luôn cả hai kháng viêm từ sớm… cho chắc
BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, thành viên trong nhóm “Bác sĩ quân y hỗ trợ bệnh nhân F0 tại nhà” cho biết, qua quá trình điều trị, tư vấn cho bệnh nhân F0 tại nhà bác sĩ nhận thấy còn rất nhiều vấn đề khi F0 điều trị tại nhà.
Trong đó, có rất nhiều người thích xông hơi. Tuy nhiên, theo BS Hoàng không nên lạm dụng quá nhiều, bởi hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy xông hơi diệt được virus. Trong trường hợp F0 sốt thì xông một chút có thể giúp đỡ mệt, nhưng xông nhiều càng mệt.
Đáng lưu ý, vẫn còn rất nhiều F0 dùng kháng viêm corticoid quá sớm (Medrol 16mg), có thể làm bệnh nặng hơn, virus nhân lên nhiều hơn.
Ảnh minh hoạ |
“Số này chiếm khoảng trên 20% các F0 gọi điện hỏi tôi. Dù một số F0 có đủ thuốc nhưng cách uống thuốc kiểu truyền tai nhau khá nguy hiểm, ví dụ uống 2 loại kháng sinh cùng thành phần, cùng kháng viêm thành phần methylprednisolon 16mg nhưng tên khác nhau, uống luôn cả hai, dùng mấy loại chống đông cùng lúc...”, BS Hoàng lo lắng thông tin.
Vị bác sĩ này đã phải thông báo khẩn cấp trên trang cá nhân khuyến cáo F0 không dùng kháng viêm corticoid khi SpO2 từ 95% trở lên.
Kháng viêm corticoid là tất cả các loại thuốc có hàm lượng 16mg. Cứ loại nào 16mg thì chính là kháng viêm corticoid. Ngoài ra còn có Medrol 4mg, Dexamethasone 0,5mg cũng là kháng viêm corticoid.
Lý giải vì sao không dùng thuốc kháng viêm sớm, BS Hoàng cho biết trong 7 ngày đầu, khi virus đang nhân lên, corticoid làm hệ miễn dịch bị suy giảm, virus càng dễ sinh sôi khiến bệnh tình nặng hơn.
“Corticoid khiến cơ thể dễ nhiễm vi khuẩn và nhiễm nấm, nhất là ở người bệnh nền, sức dề kháng kém.
Tác dụng phụ của corticoid rất nhiều. Corticoid rất hiệu quả để chống bão cytokin, nhưng chỉ dùng khi SpO2 dưới 95%. Dùng sớm quá rất có hại.
Tuy nhiên, ngày thứ 7-10, SpO2 có thể tụt đột ngột, đang từ 97-98% có thể tụt về 60-70%. Nếu không cảnh giác, bệnh nhân có thể không qua khỏi trong vòng 12 tiếng.
Do đó, F0 cần phải đo SpO2 liên tục, mỗi ngày vài chục lần cũng không sao. Nhưng lưu ý, tất cả các trường hợp F0 tại nhà cần phải gọi điện để được bác sĩ hướng dẫn trước khi dùng kháng viêm corticoid”, BS Hoàng khuyến cáo.
Không dùng kháng virus trôi nổi
Đối với thuốc kháng virus, BS Hoàng cho biết, hiện có 2 loại là molnupiravir và favipiravir. Molnupiravir còn quá mới và có một số lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản (Ấn Độ và Pháp đã ko dám dùng molnupiravir nữa).
Favipiravir thì có hàng của Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chính là thuốc Avigan của Nhật được phát triển từ năm 2014, dường như an toàn hơn.
“Nhiều người không phân biệt được molnupiravir và favipiravir, cá biệt có người dùng cả 2 loại, hoặc cùng favipiravir nhưng 2 loại biệt dược khác nhau và uống cả 2. Điều này rất nguy hiểm”, BS Hoàng cảnh báo.
Theo các chuyên gia, thuốc kháng virus chỉ tác dụng trong vòng 5-7 ngày sau khi nhiễm và cũng chỉ uống trong 5-7 ngày. Tuy nhiên trước thông tin truyền miệng về tính hiệu quả thuốc kháng virus, nhiều người dân săn lùng thuốc điều trị Covid-19 của Nga dù đang được bán trôi nổi trên mạng xã hội.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng, vấn đề thuốc có hiệu quả hay không thì phải điều tra đánh giá cho kỹ càng. Cái này, không thể nghe theo truyền miệng để khẳng định chất lượng của thuốc.
“Ví dụ như thuốc Molnupiravir hiện đã được cấp phép sản xuất ở Việt Nam thì phải qua thử nghiệm, có hiệu quả tốt mới được cấp phép. Chứ không cứ thuốc uống ở nước ngoài là mình nhập được. Thuốc phải đánh giá được hiệu quả lâm sàng, cho phép sử dụng, cấp phép” – vị này nhấn mạnh.
PGS. TS Trần Đắc Phu cảnh báo, nếu người dân tự ý mua, sử dụng thuốc thì phải mua theo thuốc của Bộ Y tế cấp phép. Điều trị theo bệnh, giai đoạn nào, điều trị khi nào mới dùng đến thuốc thì phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người Việt Nam có thói quen nhiều khi cứ mua, cứ dùng không tham khảo ý kiến bác sĩ. Nước ngoài, kháng sinh phải bán theo đơn. Còn việc một số ca bệnh F0 dùng thuốc từ dương tính thành âm tính vẫn chưa chắc đã do thuốc.
“Nhiều khi, có người tự nhiên âm tính vì cơ thể có kháng thể” – ông Phu nói.
Theo chuyên gia, để khẳng định chất lượng thuốc thì cần đánh giá trên diện rộng, phải triển khai quy mô thì mới khẳng định được. Như thuốc Molnupiravir có triển khai đánh giá.
“Thuốc tăng cường miễn dịch và kháng virus tính ảnh hưởng ngắn, lâu dài tới sức khỏe thế nào phải có đánh giá cấp phép thì mới nên dùng” – ông Trần Đắc Phu khuyên người dân.
N. Huyền
Cảnh báo 'sát thủ thầm lặng' của F0, 4 nhóm có nguy cơ sụt giảm SpO2
Nhiều bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng, hết sốt vẫn đi lại ăn uống bình thường nhưng lại có thể rơi vào tình trạng sụt giảm SpO2 thầm lặng.
Thiếu oxy thầm lặng, F0 ở nhà có những dấu hiệu này không được chủ quan
Người đàn ông 60 tuổi có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin, chỉ số SpO2 đang ở mức 97 - 98%, nhưng tối cùng ngày bỗng nhiên SpO2 tụt nhanh. Sáng hôm sau, ông tử vong.
Dịch phức tạp, ăn gì để Covid-19 không tấn công?
Nhóm vitamin và khoáng chất là nhóm chất dinh dưỡng quan trọng, cần thiết cho sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, nhưng cũng dễ bị bỏ sót trong bữa ăn mỗi ngày.