Cảnh báo 'sát thủ thầm lặng' của F0, 4 nhóm có nguy cơ sụt giảm SpO2
Nhiều bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng, hết sốt vẫn đi lại ăn uống bình thường nhưng lại có thể rơi vào tình trạng sụt giảm SpO2 thầm lặng.
Giảm Spo2 thầm lặng được xem là “sát thủ” của bệnh nhân Covid-19, người ta thường nói đó là “cái chết trên cạn” mà người bệnh không hề biết.
PGS Nguyễn Hoài Nam giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết so với các bệnh lý khác thì Covid-19 nguy hiểm cần theo dõi kỹ hơn rất nhiều đó là tình trạng sụt giảm oxy máu. Bác sĩ Nam cho biết ông đã tư vấn có những bệnh nhân hết sốt, khỏe mạnh, ăn uống, đi lại nhưng chỉ 1 lát sau ngất xỉu, gia đình đưa vào bệnh viện thì chỉ số oxy máu chỉ còn 70%.
Hay có nhiều bệnh nhân trong đợt dịch ở TP.HCM vừa qua đã qua đời sau giấc ngủ. Mặc dù trước đó người nhà cho rằng bệnh nhân vẫn khỏe, đi lại bình thường, không khó thở. Khi người nhà lên phòng ngủ thì người bệnh đã qua đời. Sát thủ gây ra những cái chết đó là sụt giảm oxy máu.
BS. Nguyễn Phương Thảo (Nhóm Bác sĩ hỗ trợ tư vấn F0-F1 cách ly tại nhà – TP.HCM) bệnh nhân Covid-19 thường có suy hô hấp thầm lặng nghĩa là oxy máu tụt (chỉ số SpO2 xuống) nhưng bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ thở hơi vướng.
Thiếu oxy trong máu là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bệnh nhân Covid-19. Nhiều trường hợp diễn biến rất nhanh, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn, điều nguy hiểm đó là trước đó người bệnh không có dấu hiệu thiếu oxy chỉ đến khi mệt lả, ngất xỉu mới phát hiện nguy cơ này, khi vào viện đã nguy kịch..
Có những bệnh nhân Covid-19 đã hết sốt tưởng mình đã khỏe, không còn biểu hiện triệu chứng nhưng bỗng dưng mệt lả, ngất xỉu, da tím tái... do nồng độ oxy máu bỗng dưng tụt xuống 60-70%, suy hô hấp. Vì vậy từ 5 tới 10 ngày đầu người bệnh cần được theo dõi rất sát sao đặc biệt theo dõi nồng độ oxy máu.
Bác sĩ Nam cho biết SpO2 ở người bình thường là 94-100%. Ở bệnh nhân Covid-19 bị viêm phổi, mức oxy chỉ còn 60-70%, thậm chí 50%, đe dọa suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
Người bệnh cần theo dõi chặt chỉ số oxy máu. |
Đối với các tường hợp F0 trong cộng đồng cần theo dõi triệu chứng tại nhà, tốt nhất là tất cả các bệnh nhân cần được theo dõi SpO2. Vì nếu không theo dõi chủ động, đến khi bệnh nhân thấy mệt lả, thậm chí ngất xỉu có thể nguy hiểm tính mạng.
PGS Nam cũng khuyến cáo bất cứ F0 nào đang theo dõi tại nhà cũng cần thiết lưu ý 3 điều:
Thứ nhất, chuẩn bị sẵn sàng máy đo SpO2, đây là thiết bị cần phải có.
Thứ hai, phải có lượng thuốc dự trữ theo danh sách của Sở Y tế đã công bố.
Thứ ba, cần phải liên hệ với 1 bác sĩ online để được theo dõi hỗ trợ thường xuyên bởi với bệnh nhân Covid-19 thường có diễn biến khó lường nếu chủ quan.
Các nhóm người có nguy cơ tụt Sp02:
1. Nhóm nguy cơ rất cao: SpO2 < 92%
Nhóm người từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền;
Nhóm này chỉ định nhập viện ngay các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng. Xử trí tình trạng cấp cứu trước, trong và sau khi vận chuyển đến bệnh viện.
2. Nhóm nguy cơ cao: 93% < SP02 < 94%
Người từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền;
Phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi. Nhóm này chỉ định nhập viện càng sớm càng tốt, các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng.
3. Nhóm nguy cơ trung bình: 95% < SPO2 < 96%
Người từ 46 - 64 tuổi và không mắc bất kỳ bệnh lý nền.
Người sức khoẻ có dấu hiệu bất thường như sốt (từ 37,5 độ C trở lên), ho, đau họng, rát họng, đau ngực...; hoặc người tuổi dưới 45 tuổi và mắc một trong các bệnh lý nền.
Nhóm này cần chuyển vào cơ sở các bệnh viện dã chiến, điều trị người bệnh Covid-19.
4. Nhóm nguy cơ thấp: SpO2 > 97%
Người đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày. Người dưới 46 tuổi không mắc bệnh lý nền. Người có sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường.
K.Chi