Cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt nhưng vợ trẻ nhất quyết dọn phòng ngủ riêng chỉ vì lý do này
Nhiều người vẫn nghĩ ngủ ngáy “cho vui nhà” là tốt, người ngủ ngáy có sức khoẻ tốt nhưng ngáy cũng có thể là dấu hiệu hội chứng ngừng thở nguy hiểm mà ít người biết.
Ths.BSNT Phan Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngủ ngáy là một triệu chứng rất nhiều người trong chúng ta đã từng gặp. Đôi khi có những quan điểm sai lầm rằng ngủ ngáy là tốt, là khoẻ. Nhưng hãy hết sức lưu ý: ngáy có thể là dấu hiệu của hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Trường hợp anh Nguyễn V. Q (Ba Đình) là ví dụ điển hình. Dù mới 32 tuổi nhưng người đàn ông này mắc chứng bệnh ngủ ngáy. Chỉ cần đặt lưng xuống giường chưa đầy mười phút là anh đã gáy to như xẻ gỗ.
“Cả nhà cứ khen chồng tôi ăn tốt, ngủ khoẻ. Hồi mới cưới tôi bận công việc rồi chăm con nên tối nào cũng thèm ngủ. Thành thử ra tật ngủ ngáy của chồng tôi cũng mặc định là tốt - ăn được, ngủ được là tiên.
Nhưng đến khi con 5 tuổi, công việc của tôi cũng nhàn hơn, tôi trở nên khó ngủ. Nếu tôi không ngủ trước chồng thì gần như mất ngủ cả đêm vì bị tra tấn tiếng gáy như sấm của chồng. Không thể kéo dài tình trạng mất ngủ mãi, tôi phải dọn phòng ra ngủ riêng, đồng thời đưa chồng đi khám. Tại bệnh viện anh được các bác sĩ đo đa ký rồi chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Hiện giờ mỗi tối chồng tôi đều phải đeo máy thở”, chị Hoa, vợ anh Q. kể lại.
Ngủ ngáy là khoẻ - bác sĩ chỉ ra sự thật trật lất triệu người vẫn lầm tưởng |
Ths.BSNT Phan Thanh Thủy cho biết, nếu bạn phát hiện thấy những người xung quanh có các triệu chứng như ngủ ngáy, ngủ gật nhiều vào ban ngày, thức giấc trong tình trạng đầu đau như búa bổ. Đôi khi nếu quan sát thấy người thân, người bên cạnh mình khi ngủ có những giai đoạn ngưng không thở, sau đó thở rất nhanh và thở gấp gáp bù lại thì rất có thể họ đã mắc hội chứng “ngừng thở khi ngủ”.
“Đây là một “sát thủ thầm lặng” khi chúng ta nhắm mắt và bắt đầu thư giãn. Đây là tình trạng xuất hiện những cơn ngừng thở và/hoặc giảm thở trong khi ngủ. Những cơn ngừng thở này gây suy giảm oxy trong máu và gây một loạt các biến cố về sức khoẻ mà bản thân người bệnh không hề biết. Hội chứng ngừng thở này có thể gặp ở cả nam giới, nữ giới và trẻ em”, Ths.BSNT Phan Thanh Thủy nhấn mạnh.
Vẫn theo BS Thuỷ hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đầu tiên là do xuất hiện các cơn ngừng thở ban đêm khiến cho chất lượng giấc ngủ rất kém, người bệnh có biểu hiện buồn ngủ, rất hay ngủ gật ban ngày, gây giảm chất lượng cuộc sống, làm việc kém hiệu quả, nếu ở trẻ nhỏ thậm chí học hành giảm sút, giảm trí nhớ, mất tập trung, ngủ gật trong lớp học.
Đặc biệt ở người lái xe bị hội chứng ngừng thở có thể gây tai nạn giao thông, cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và những người xung quanh.
“Theo các nghiên cứu đã được công bố thì nguy cơ gây tai nạn giao thông ở những bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ cao gấp 3 lần so với những người không mắc hội chứng này”, BS Thuỷ cảnh báo.
Lý giải tình trạng này, các chuyên gia cho rằng khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể, dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não.
“Một trong các rối loạn chuyển hoá hay gặp trong hội chứng ngừng thở là đái tháo đường và kéo theo một loạt các biến chứng của đái tháo đường. Chính vì vậy, ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm, người nhà không thể phát hiện hoặc đưa đi cấp cứu”, BS Thuỷ nhấn mạnh.
Do đó, nếu trong gia đình có người thường xuyên ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu đêm nhiều; đau đầu buổi sáng; không biết mình có ngủ được hay không; giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc, thậm chí người khác quan sát thấy có hiện tượng ngưng hoặc giảm động tác thở khi ngủ ... thì nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán bệnh.
Để phát hiện hội chứng ngừng thở khi ngủ, người bệnh sẽ được tiến hành đo đa ký hô hấp hoặc đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán. Kết quả đo đa ký sẽ được các bác sỹ phân tích và người bệnh sẽ được tư vấn về bệnh và phương pháp điều trị phù hợp sớm nhất.
N. Huyền